Nhà lao Pleiku: "Địa ngục trần gian"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày tháng 4, khi cả nước hân hoan chào đón ngày hội thống nhất non sông thì các cựu tù tại Nhà lao Pleiku lại dâng lên những cảm xúc lâng lâng khó tả với những ký ức đau thương một thời. Ở đó, vượt qua bao nỗi tù đày, họ đã cùng nhau xây dựng phong trào cách mạng chính trong cái nơi được coi là “địa ngục trần gian”.

Ông Trần Chín kể về những ngày tháng tù đày gian khổ. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Năm 1925, ngay sau khi có đơn vị hành chính Pleiku, thực dân Pháp đã nhanh chóng cho xây dựng Nhà lao Pleiku để làm công cụ cai trị. Trong suốt 50 năm, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thay nhau sử dụng nơi này để đàn áp phong trào cách mạng. Hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã bị kẻ thù giam giữ, đày đọa về thể xác, truy bức về tinh thần hòng khuất phục ý chí tranh đấu của họ. Nhưng chúng không hề hiểu được rằng, chính tại nơi được ví như địa ngục trần gian do chúng tạo ra này, bằng nghị lực, tinh thần đoàn kết, tình thương yêu đồng chí đồng đội và niềm tin sắt đá, các chiến sĩ của ta đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu, biến lao tù thành trường học cách mạng.

Ông Trần Chín-cựu tù chính trị giai đoạn 1968-1975, vẫn nhớ như in những ngày gian khổ ấy. Ông kể, trong 4 bức tường giam, kẻ thù đã thực hiện chính sách đàn áp và diệt tù man rợ. Điều kiện sống của tù nhân vô cùng tồi tệ. Khắc nghiệt nhất là chế độ giam giữ ở phòng 5, nơi giam tù chính trị câu lưu. Trong gần 50 m2, chúng bố trí 7 xà lim và 1 buồng chẹt có chung cửa ra vào. Mỗi xà lim được chia thành hai tầng ván, mỗi tầng rộng 1,6 mét, dài 2 mét có khi chứa tới 20 người. Khi các chiến sĩ cộng sản có hành vi chống đối, chúng lập tức cho đóng cửa xà lim, biến nơi này thành cái lò nung, làm cho nhiều tù nhân chết ngạt.

Nhưng, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với tù chính trị lại là buồng chẹt, nơi chúng dành để giam giữ những người mà chúng cho là cứng đầu nhất. Căn buồng rộng 80 cm, dài 2 mét được ngăn đôi ở giữa bằng một tấm ván, ngột ngạt, thiếu không khí, người nằm dưới quanh năm không thấy mặt trời, ngột ngạt, bức bí. Thân thể người tù nằm ở trong nhưng chân bị treo ra ngoài lỗ cửa, lâu lâu bọn cai tù lại lấy dùi cui đập vào gan bàn chân, lấy mũi kim đâm vào 10 đầu ngón tay. Có những đồng chí bị giam một chỗ trong buồng chẹt đến 6 tháng trời. Với cách giam giữ này, kẻ thù muốn giết chết những chiến sĩ đã bất khuất đấu tranh, trung thành với Đảng.

Khổ đau là thế, kìm kẹp là thế nhưng nhiều đồng chí đã trưởng thành và trở thành những đảng viên cộng sản trung kiên. Bất chấp cuộc sống thống khổ chốn lao tù, bất chấp những ngón đòn tra tấn man rợ của địch, từ trong ngục tù, ngọn lửa lý tưởng cộng sản vẫn luôn âm ỉ cháy và ngày càng lớn mạnh. Tháng 6-1948, chi bộ Đảng Nhà lao Pleiku được thành lập do đồng chí Lương Tân làm Bí thư. Chi bộ đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc, bảo vệ cuộc sống hàng ngày của tù nhân, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, tổ chức cho anh em vượt ngục. Đến tháng 10-1968, Đảng bộ Nhà lao Pleiku được thành lập do đồng chí Nguyễn Kim Kỳ làm Bí thư.

Sự kiện lịch sử đẫm máu nhất tại Nhà lao Pleiku diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, các tù nhân chính trị phá lao ra đã bị địch bắn chết 46 đồng chí. Đến chiều 15-3-1975, trước sự tấn công của Quân Giải phóng, lính ngụy bỏ chạy tán loạn, những chiến sĩ cộng sản đã nổi dậy, giải phóng nhà lao, chấm dứt 50 năm kìm kẹp của chế độ nhà tù đế quốc. “Sau bao năm bị tù đày, tra tấn man rợ, chúng tôi đã vượt qua để trở thành những người chiến thắng, chiến thắng bệnh tật, chiến thắng sự tàn bạo. Khi ấy, ai nấy đều cảm thấy bồi hồi xúc động mà tự hào lắm”-ông Trần Chín chia sẻ.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm