Nhà máy Nước thị trấn Kông Chro: Khó khăn trong hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhà máy Nước thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) công suất 3.500 m3/ngày đêm, đi vào vận hành đã được gần 7 tháng. Tuy nhiên, hiện mức khai thác của Nhà máy còn quá thấp so với công suất cũng như nhu cầu trên địa bàn.

Sau gần 3 năm khởi công xây dựng, cuối tháng 9-2017, Nhà máy Nước thị trấn Kông Chro chính thức được đưa vào vận hành. Theo ông Nguyễn Văn Hội-Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý nước và Công trình Đô thị huyện Kông Chro, Nhà máy Nước được xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Công trình này có công suất thiết kế 3.500 m3/ngày đêm nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho trên 27.000 người dân thị trấn Kông Chro, xã Ya Ma cũng như cho các công trình công cộng và dịch vụ khác.

 

Hệ thống lọc trước khi cung cấp nước đến người sử dụng. Ảnh: L.V.N

Từ khi đưa vào vận hành đến nay, qua nhiều lần lấy mẫu kiểm tra, các chỉ số lý hóa trong nguồn nước của Nhà máy đều đảm bảo các yêu cầu quy định. Hơn nữa, nguồn nước cung cấp cho Nhà máy được lấy từ sông Đak Pơ Kơ (xã Ya Ma) khá dồi dào và không bị ô nhiễm là một thuận lợi rất lớn (trước đây, nhà máy cũ phải lấy nước từ sông Ba đoạn chảy qua huyện Kông Chro, nước bị ô nhiễm và thường cạn kiệt vào mùa khô).

Tuy nhiên, chỉ số tiêu thụ nước của Nhà máy hiện còn quá thấp so với công suất thiết kế. Cụ thể, hiện chỉ có gần 600/2.277 hộ dân khu vực thị trấn sử dụng nước từ Nhà máy. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Hội, căn cứ Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 3-9-2003 của UBND huyện thì đơn vị chỉ được thu 2.000 đồng/m3 đối với nước sinh hoạt và 3.000 đồng/m3 (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với nước phục vụ sản xuất kinh doanh. Đây là đơn giá được xây dựng cách đây gần 15 năm nên không còn phù hợp và dù đã được ngân sách huyện bù lỗ nhưng vẫn không đủ chi phí mua hóa chất xử lý, thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, khấu hao tài sản cố định.

Mặt khác, Nhà máy được đầu tư hiện đại nhưng hệ thống mạng lưới cấp nước lại chưa đồng bộ do lắp đặt, xây dựng từ năm 1993 nên đã xuống cấp. “Với lượng nước tiêu thụ như hiện nay, mỗi ngày đêm, Nhà máy sản xuất 1.000 m3. Sau khi trừ hao hụt, lượng nước thương phẩm chỉ còn 600 m3. Trung bình mỗi tháng, đơn vị thu về khoảng 16 triệu đồng, trong khi đó, riêng tiền điện phải trả hết 20 triệu đồng”-ông Hội nêu nghịch lý.

Để mở rộng mạng lưới hệ thống cấp nước và nâng cao công suất Nhà máy, ông Hội cho hay: “Trước mắt, đơn vị đang triển khai mở rộng mạng lưới cung cấp nước sang khu vực phía Tây sông Ba và đường Anh Hùng Núp, song cũng chỉ đạt 300 công tơ. Kinh phí hiện không có nên tất cả các hoạt động của đơn vị phần lớn dựa vào kết quả hoạt động công ích từ quản lý chiếu sáng, quản lý công viên, thu gom rác chợ, bệnh viện…”.

Trong tương lai gần, các đơn vị sự nghiệp đều phải tự chủ về kinh phí hoạt động. Nếu không có phương án mở rộng mạng lưới cấp nước cho các vùng phụ cận, không có phương án bù lỗ về giá nước trong chi phí hợp lý hoặc không thể xã hội hóa thì hoạt động của Nhà máy Nước thị trấn Kông Chro sẽ là bài toán nan giải đối với Trạm Quản lý nước và Công trình Đô thị huyện Kông Chro.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm