Nhà ở cho người thu nhập thấp: Cần xác định đúng đối tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24-4-2009 về một số cơ chế chính sách ưu đãi để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị là một chương trình lớn góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội của đô thị được sự hưởng ứng của xã hội nói chung, tỉnh ta nói riêng. Song tại Hội thảo xung quanh những quy định về tiêu chuẩn, đối tượng, điều kiện giao đất xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị vừa được Sở Xây dựng Gia Lai tổ chức vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc xác định đối tượng thụ hưởng.
Ảnh: Hà Duy
Gia Lai hiện có gần 20.000 cán bộ công chức có hệ số lương dưới 3,0 (chưa kể cán bộ, công chức thuộc lực lượng vũ trang và Công an); số hộ nghèo và cận nghèo (tính đến cuối năm 2010) toàn tỉnh là gần 80.000 hộ, trong đó số hộ nghèo trong đô thị là gần 14.000 hộ; Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có khoảng 8.000 lao động; lao động tại các xí nghiệp, phân xưởng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng lên tới con số xấp xỉ 8.000… Đây là những con số “biết nói” cho thấy nhu cầu đất ở, nhà ở cho các đối tượng này là cực lớn khi hầu hết họ chưa có đất ở, nhà ở hoặc phải ở nhà thuê. Tuy nhiên, nhu cầu thì lớn, trong khi quỹ đất có hạn buộc tỉnh phải chọn ra những đối tượng thực sự có nhu cầu; tránh trường hợp nhà xây cho đối tượng thu nhập thấp nhưng chủ sở hữu lại toàn các… đại gia như một số nơi.
Ông Trần Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Nội vụ bày tỏ quan điểm, theo quy định thì đối tượng được giao đất có thu tiền sử dụng đất xây dựng nhà ở là người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước có hệ số lương từ 3,0 trở xuống và người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Những đối tượng này đến thời điểm giao đất vẫn chưa có nhà ở, đất ở hoặc đã sở hữu nhà là căn hộ chung cư với diện tích dưới 5 m2 sử dụng/người; chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức. Các trường hợp có nhu cầu giao đất xây dựng nhà ở phải có hộ khẩu thường trú tại khu vực nội thành, ngoại thành của thành phố Pleiku; nội thị, ngoại thị thị xã; thị trấn và trung tâm huyện lỵ đối với huyện chưa có thị trấn.
Nhưng thực tế, thật khó để xác định tiêu chuẩn “hộ cận nghèo”, vậy nên chỉ giới hạn đối tượng là “hộ nghèo” theo quy định của Nhà nước. Trả lời vấn đề này, ông Lưu Văn Thanh-Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định: “Mức hộ nghèo và cận nghèo chỉ chênh nhau chừng 100.000 đồng nên nếu không đưa những hộ cận nghèo vào đối tượng được thụ hưởng từ chương trình này thì rất thiệt thòi cho họ. Việc xét đối tượng là hộ nghèo hay cận nghèo sẽ do thôn trưởng, tổ trưởng tại địa phương đối tượng cư trú chịu trách nhiệm xem xét, bình chọn và đưa ra danh sách”.
Có khá nhiều người lại cho rằng, đối tượng thụ hưởng nên nâng lên ở hệ số lương từ 4,0 trở xuống (người lao động phổ thông có thu nhập bình quân tương đương). Bởi lẽ, sinh viên mới ra trường đã hưởng mức lương 2,34; sau vài năm, có thể lương của họ đã vượt mức hệ số 3,0 nhưng họ sẽ lập gia đình và có con cái, lúc này cuộc sống chắc chắn vẫn cần sự hỗ trợ, nhất là về nhà và đất ở. Hoặc đối tượng công chức, cán bộ nhà nước phải nuôi người thân không có sức lao động cũng là những người cần được hỗ trợ.
Về quy định thu hồi đất, chuyển quyền sử dụng đất cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm bởi đây là quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người thụ hưởng. Người được giao đất, trong vòng 12 tháng phải xây dựng nhà ở kể từ ngày bàn giao, nếu không Nhà nước sẽ thu hồi. Nhưng đây là điều thực sự khó khi chủ sở hữu là những người thu nhập thấp, trước đó họ đã phải thanh toán trước 20% tổng giá trị đất. Thêm vào đó, xây nhà trong khu đô thị (dù là khu dành cho người có thu nhập thấp) cũng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về kiến trúc cũng như chất lượng theo quy định, nghĩa là không thể xây tạm bợ.
Vấn đề này, ông Trần Thanh Hùng đưa ra ý kiến nên kéo dài thời gian thu hồi ra 18 tháng. Riêng 20% tổng số tiền đất phải thanh toán trước, cũng có người cho rằng đó là “làm khó” người nghèo, nên tạo điều kiện để họ có thể ghi nợ và thanh toán tất cả trong vòng 5 năm. Tránh trường hợp đất ở, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp bị lợi dụng để buôn bán, sang nhượng kiếm lời, ông Ngô Bá Sơn- Phó Giám đốc Sở Công thương nêu ý kiến: “Theo quy định của chương trình, sau 10 năm sử dụng, người sở hữu nhà, đất mới được sang nhượng, buôn, bán. Nhưng cấm mua-bán tài sản đã thuộc sở hữu riêng là trái luật. Vậy nên để chặt chẽ hơn, nên có cam kết riêng đối với các đối tượng thụ hưởng để đây thực sự là một chính sách đúng đắn, ý nghĩa”.
Sự hình thành một khu nhà dành cho người thu nhập thấp trong tương lai không xa chính là tin vui đáp ứng được mong mỏi từ rất lâu của người dân lao động, những người không có khả năng mua đất, mua nhà trong tình hình trượt giá như hiện tại. Dự kiến cuối năm nay, tất cả những vấn đề liên quan đến nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được trình lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.
Ông Lưu Văn Thanh-Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: “Khu dân cư ở đô thị dù dành cho những người thu nhập thấp nhưng cũng phải được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước… để tránh việc xây nên một… khu ổ chuột. Đây là chương trình được thực hiện qua nhiều giai đoạn mà giai đoạn đầu kéo dài trong 5 năm, thời gian tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện khi có quỹ đất”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm