Thời sự - Bình luận

Nhà ở xã hội, bao giờ hết khó?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chứng kiến cả ngàn người chen nhau xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội bất kể ngày đêm, hay cảnh 'biển người' nhẫn nại chờ bốc thăm trúng suất mua căn hộ nhà ở xã hội dưới trời oi bức tại Hà Nội hôm qua (20.5), mới thấy ước mơ có nhà của người dân cháy bỏng và trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội lớn ra sao.

Xếp hàng từ 7 giờ sáng chờ bốc thăm mua nhà ở xã hội (NOXH) ở Nhà thi đấu Q.Cầu Giấy (Hà Nội) dưới trời nắng nóng gần 40 độ C, một tay quạt, một tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, chị Nguyễn Bích Liên (28 tuổi), mang bầu tháng thứ 7, cho biết đang làm giáo viên, chồng là bộ đội. Chìa tấm phiếu ghi số 130, chị Liên nói còn gần 100 người nữa sẽ đến lượt. Khoảng 1.500 người tập trung chờ bốc thăm quyền mua gần 150 căn hộ tại dự án NOXH Trung Văn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tuy nhiên, để có mặt tại vòng này, hai vợ chồng chị Liên đã phải "chiến đấu" gần 1 tuần mới nộp được hồ sơ.

Chị Liên tâm sự, dù biết tỷ lệ chọi cao, hy vọng có suất mua căn hộ NOXH là rất mong manh, nhưng vì giấc mơ an cư nên chị phải cố chen chân. Hơn 12 giờ trưa 20.5, trời càng oi bức, chị Liên thất thểu vác bụng bầu ra về vì bốc thăm không trúng. Phần lớn người ra về trong thất vọng vì kém may mắn, và vì cả thực trạng phát triển NOXH. Tại sao nhu cầu lớn như vậy mà cơ chế không thúc đẩy việc làm nhiều nhà hơn, để người dân khỏi phải vật vã nộp hồ sơ, bốc thăm giành quyền mua nhà?

Ngay trước đó, tại cuộc họp triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH do Bộ Xây dựng tổ chức vào sáng 19.5, có kết nối trực tuyến với UBND nhiều tỉnh thành, không ít ý kiến của những cán bộ mang trách nhiệm phát triển NOXH đã than thở gặp vướng mắc cơ chế tạo quỹ đất, thiếu vốn. Thậm chí, cả vấn đề thủ tục hành chính cho dự án NOXH cũng quá rườm rà, nhiêu khê…

Đáng nói, NOXH đã là chuyện bức thiết từ ít nhất 2 thập kỷ qua. Các luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Đất đai… cũng được xây dựng, sửa đổi một số lần, kèm theo đó là hàng loạt nghị định, thông tư, chiến lược phát triển nhà, kế hoạch… được xây dựng, ban hành nhưng nguồn cung thực tế vẫn nhỏ giọt, chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu NOXH của người dân. Nhất là trong gần 10 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu NOXH cũng tăng mạnh thì nhà ở bình dân càng trở thành nhu cầu bức thiết.

Ai cũng biết các tồn tại, vướng mắc về cơ chế tạo quỹ đất, vốn hay thủ tục hành chính rườm rà… không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng tại sao những điều "không mới mẻ" vẫn tồn tại dai dẳng, kéo lùi an sinh xã hội hàng thập kỷ? Cơ chế, chính sách, thủ tục từ đâu, nếu không phải từ chính chúng ta tạo ra? Vậy mấu chốt trì trệ ở đây là gì, phải chăng là một bộ phận cán bộ thiếu tâm, thiếu tầm, ngại khó, sợ sai, tìm cách né tránh, đẩy việc lên lãnh đạo?...

NOXH là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, được nhân dân, nhất là người lao động, chờ đợi. Nhưng chính sách nhân văn này chỉ có thể đến được với dân khi những người được giao trực tiếp triển khai thực sự quyết liệt vì an sinh của người dân chứ không phải vì sự an toàn của cá nhân.

Có thể bạn quan tâm