Thời sự - Bình luận

"Nhà tàng hình"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

 Xây dựng trái phép, phạt và cho tồn tại là chuyện xảy ra ngày càng phổ biến. Nhiều trường hợp được "qua truông" nhưng cũng không ít trường hợp bị "vịn", phải chịu phá dỡ.

Hầu hết những trường hợp xây dựng trái phép bị xử lý thời gian qua thường do người dân tố giác hoặc báo chí lên tiếng, hiếm khi từ phát hiện của cán bộ chuyên trách.

Phải kể tới trường hợp gần 500 ngôi biệt thự, nhà liên kế thuộc dự án khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và khu du lịch Du Sơn ở núi Nứa, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cả hai đều là đại công trình xây "chui", ngạo nghễ mọc lên trêu ngươi thiên hạ. Trước đó, tại phường An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, 35 căn nhà được xây "chui" liền kề đất nông nghiệp.

Chủ đất tha hồ đắp đường, chia lô, xây nhiều dãy nhà tầng rồi kéo điện, nước vào và rao bán. Công trình sai phép "to vật vã" này yên vị cả năm trời; đáng chú ý, nó cách trụ sở cơ quan công quyền địa phương chỉ hơn nửa cây số!

 

Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Viva Park) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai xây
Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Viva Park) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai xây "chui"


Và những ngày này, dư luận một lần nữa ngỡ ngàng trước "làng biệt thự" 50 căn được xây theo kiểu nhà sàn (bê-tông) trên đất rừng ở thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cạnh Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Đáng nói hơn, đây là đất dự án, được nhà nước giao cho Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam (TP Đà Lạt) nhưng nhiều cá nhân ở địa phương tự ý chia lô, rao bán. Nhiều người ở Lâm Đồng và TP HCM đã mua đất ở đây và cứ thế mở đường, dựng rào, xây nhà, kéo điện..., xem như đã là của mình.

Trong khi đó, Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên xã, huyện và tỉnh nhưng không được quan tâm, xử lý rốt ráo. Ngay cả khi 50 nhà sàn nói trên được xây cất trong thời gian dài, trước đó phải thông đường cho phương tiện cơ giới chở vật liệu vào, ầm ĩ cả ngày suốt đêm, vậy mà chính quyền địa phương không hay biết (?). Khu vực này cũng chẳng phải là chốn thâm sơn cùng cốc và 50 căn biệt thự ấy đâu phải là "nhà tàng hình"?!

Chẳng ai tin là cán bộ địa chính, xây dựng... ở địa phương không hay, không biết cả! Rất nhiều khi người dân mới vừa thuê xe ba-gác chở xi-măng về nhà trong hẻm sâu, chỉ để vá cái nền thôi, mà cán bộ đã sớm có mặt tận nơi, kiểm ra và sách hạch đủ điều. Cho nên, những "đại công trình" xây dựng sai phép giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn qua mắt được chính quyền là chuyện không tưởng, khác nào con voi mà chui lọt lỗ kim!

Do vậy, nghi vấn đặt ra là có sự thông đồng giữa chủ đất hoặc bên xây trái phép, sai phép với cán bộ hữu trách địa phương. Bên có quyền làm ngơ để bên có tiền làm sai, rồi hợp pháp hóa bằng cách phạt để cho tồn tại. Đổi chác với nhau bằng thứ gì? Ai cũng đoán được.

Bản chất những vụ việc kể trên phải chờ cấp cao hơn ở các tỉnh vào cuộc làm rõ. Thực tế cũng đã có nhiều vụ "chờ kết luận" kiểu như thế này nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Và cũng có những vụ việc làm tới nơi tới chốn, xác định nhiều cán bộ nhúng chàm. Mà hễ khi có cán bộ bị kỷ luật vì tiếp tay cho vụ xây dựng trái phép này thì với vụ xây dựng trái phép kia, người dân cũng hoài nghi như thế.

Theo A.Q (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm