Sống trẻ - Sống đẹp

Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai: Trung tâm giáo dục ngoài nhà trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là đưa các hoạt động về cơ sở, Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai đã trở thành địa chỉ tin cậy của các em thiếu nhi, xứng đáng với vai trò “Trung tâm giáo dục ngoài nhà trường”.
Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Nhà Thiếu nhi tỉnh đã chủ động kêu gọi xã hội hóa, tạo nguồn thu ổn định cũng như đa dạng các sân chơi cho thiếu nhi. Nhiều mô hình hay đã lan tỏa, tạo dấu ấn đậm nét. Bà Lê Thị Hà-Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh-cho biết: “Trong năm 2018, đơn vị đã nỗ lực phát huy mọi điều kiện để tổ chức nhiều chương trình hoạt động với chất lượng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là tổ chức nhiều sân chơi hướng về cơ sở, đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh và rèn luyện kỹ năng cho các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, năm 2018, chúng tôi đã tổ chức được 11 sân chơi cho thiếu nhi ở cơ sở với nhiều nội dung thiết thực như: vui chơi giải trí, tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, xâm hại tình dục, tuyên truyền về an toàn giao thông và phổ biến Luật Trẻ em... thu hút trên 10.000 thiếu nhi tham gia vui chơi, học tập”.
 Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức sân chơi an toàn giao thông cho các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh. Ảnh: H.Đ.T
Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức sân chơi an toàn giao thông cho các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh. Ảnh: H.Đ.T
Trong số đó, đáng chú ý là sân chơi “Thiếu nhi với chủ đề phòng-chống đuối nước và xâm hại tình dục trẻ em” do đơn vị phối hợp với Huyện Đoàn Ia Grai tổ chức tại xã Ia Grăng. Hơn 400 em là học sinh Tiểu học và THCS trên địa bàn xã tham gia hoạt động này. Bỏ qua sự nhút nhát ban đầu, sau vài bài hát, trò chơi vận động, các em đã hòa nhập vào không khí sôi động của sân chơi với những trò chơi vận động, các câu hỏi trắc nghiệm về cách phòng tránh đuối nước, kinh nghiệm cứu người bị đuối nước, xử lý các tình huống xâm hại trẻ em, thi vẽ tranh... Em  Puih Pyun (lớp 8, Trường THCS Phan Đình Phùng) hồ hởi cho biết: “Em rất thích sân chơi này vì có nhiều hoạt động vui tươi và bổ ích, trang bị cho em những kiến thức cơ bản để phòng tránh xâm hại tình dục, rèn luyện kỹ năng thoát nạn khi hỏa hoạn và đuối nước”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Nhà Thiếu nhi tỉnh còn tổ chức 2 khóa huấn luyện kỹ năng sống “Học làm người có ích” và 1 lớp tập huấn về “Phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em và kỹ năng thoát hiểm” cho thiếu nhi ở TP. Pleiku và các huyện: Chư  Sê, Chư Pưh, Chư Prông. Chương trình đã trang bị cho các em nhiều kiến thức bổ ích về kỹ năng sống tự lập, kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng, kỹ năng làm việc nhóm và nhất là kỹ năng phòng-chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, biết xử lý các tình huống khi bản thân có nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy.
Ngoài các hoạt động trên, Nhà Thiếu nhi tỉnh còn chú trọng các hoạt động xã hội. Trong năm 2018, đơn vị đã trao tặng 20 chăn ấm và 50 phần quà cho thiếu nhi nghèo tại xã Phú Cần (huyện Krông Pa) với tổng kinh phí 30 triệu đồng; tặng 144 bao lì xì và nhiều phần quà cho các em ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh và Làng trẻ em SOS Pleiku với kinh phí trên 9 triệu đồng; tặng 1.000 vé miễn phí cho các em vui chơi dịp Tết tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Thực hiện cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” và góp phần cùng tuổi trẻ tỉnh nhà chung tay xây dựng nông thôn mới, đơn vị cũng đã trao hàng trăm suất quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em vươn lên học tập tốt; tặng 4 bộ trò chơi cho Trường Mẫu giáo xã Phú Cần (huyện Krông Pa) với tổng giá trị 67 triệu đồng. 
Chia sẻ về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh cho biết: “Ngoài những hoạt động thường xuyên tại đơn vị, chúng tôi sẽ tập trung tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng công tác Đội, phòng-chống tai nạn thương tích và huấn luyện kỹ năng sống cho đối tượng thiếu nhi ở vùng nông thôn, địa bàn thường xảy ra tai nạn đuối nước. Đặc biệt là hướng các hoạt động, các sân chơi về cơ sở nhằm tạo điều kiện vui chơi, sinh hoạt cho các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm