Phóng sự - Ký sự

Nhà toàn lính Biên phòng: Đảng viên phải vì dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Đảng viên gì thì cũng phải dựa vào dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong nhà vậy, ra ngoài cũng vậy. Có thế đất nước mới ổn định, phát triển và trường tồn', thiếu tướng Trần Đình Dũng nói.
 
Ông Trần Đình Dũng (thứ 2 từ phải qua) thăm mẹ Việt Nam anh hùng Căn Thung ở xã biên giới A Bung (Đak Rông, Quảng Trị). Ảnh: MAI THANH HẢI
Ông Trần Đình Dũng (thứ 2 từ phải qua) thăm mẹ Việt Nam anh hùng Căn Thung ở xã biên giới A Bung (Đak Rông, Quảng Trị). Ảnh: MAI THANH HẢI
Sau 4 năm công tác tình nguyện giúp nước bạn Campuchia, ông Trần Đình Dũng (sinh năm 1953, quê H.Đak Rông, tỉnh Quảng Trị) mới về nước và gần 10 năm sau, ông được trở lại quê hương Bình Trị Thiên công tác, để rồi nhận cương vị Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị ở tuổi 40.
Bàn thờ vọng
Bà Hoàng Thị Lộc năm nay 64 tuổi, quê ở nông trường Cờ Đỏ (H.Nghĩa Đàn, Nghệ An). Năm 1974, mới 18 tuổi, bà vào đặc khu Vĩnh Linh (sau là H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) học sư phạm và ngay sau ngày 30.4.1975 được cấp tốc đưa lên Trường cấp 1 TT.Lao Bảo (H.Hướng Hóa) dạy học, rồi quen ông Trần Đình Dũng. “Tháng 6.1976, chúng tôi cưới nhau. Hôm đi chụp hình cưới, ông mặc quân phục. Tôi chỉ có bộ quần áo cũ màu xanh nên hiệu ảnh phải cho mượn chiếc áo màu trắng, mặc cho thành cô dâu”, bà Lộc chỉ tấm hình cưới của ông bà chụp 44 năm trước, đang treo trong nhà ở TP.Đông Hà (Quảng Trị). Bà nhớ lại: “Trước khi anh Dũng vào Tây nguyên công tác, xin mãi, tôi mới được dạy ở Trường cấp 1 TT.Khe Sanh. Cuối năm 1977, khi con trai đầu Tuấn Anh chào đời, chồng thì biền biệt không tin tức nên tôi được đưa về nông trường Cồn Tiên (H.Gio Linh) dạy chữ cho công nhân cao su. Một buổi chiều đầu năm 1979, tôi nhận tin chồng hy sinh ở Campuchia…”. Nằm liệt giường mấy ngày liền trong căn nhà tập thể, bà khăng khăng: “Anh Dũng không thể chết dễ thế được” và nghe lời mọi người, lập bàn thờ “gọi” chồng về.
Những ngày ông Dũng bên Campuchia, đồng đội ở hậu cứ Gia Lai hằng tháng lại gửi tiêu chuẩn đường sữa của ông qua bưu điện ra Quảng Trị. Mỗi lần nhận bưu phẩm, thấy nét chữ không phải của chồng mình, bà Lộc trôi dần hy vọng. Mãi đến khi cậu bé Trần Tuấn Anh gần 3 tuổi, biết bi bô hỏi: “Sao bố đi đánh Mỹ lâu thế?”, thì ông Dũng mới kết thúc nhiệm vụ, được đưa về Cục Biên phòng Quân khu 5 và tranh thủ về thăm nhà, mọi người mới biết ông còn sống.
 
Ông Trần Đình Dũng (giữa) khi là chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Trị ẢNH: TƯ LIỆU BĐBP QUẢNG TRỊ
Ông Trần Đình Dũng (giữa) khi là chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Trị ẢNH: TƯ LIỆU BĐBP QUẢNG TRỊ
Năm 1980, ông Dũng lại được cử sang phối hợp với Trung đoàn 20 Bộ đội biên phòng (BĐBP) tình nguyện, đóng quân ở TT.Cheom Ksan (H.Choam Khsant, tỉnh Preah Vihear, Campuchia), làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị và đấu tranh với các nhóm Pol Pot trá hình trong dân vùng ven biên giới Choam Khsant, xung quanh đền Preah Vihear nổi tiếng. Giữa năm 1981, khi đang chuẩn bị tiêu diệt căn cứ hậu cần 3 kho (tập kết đồ viện trợ của Trung Quốc cho Khmer Đỏ, đưa lên từ phía Thái Lan) trên dãy núi Đăng Rếch, ông Dũng được gọi về Việt Nam đào tạo tại Học viện Chính trị quân sự.
Đồn trưởng chống vượt biên
Năm 1986, ông Trần Đình Dũng tốt nghiệp Học viện Chính trị quân sự và Trường chuyên gia quân sự Bộ Quốc phòng, về làm trợ lý trinh sát tuyến Việt Nam - Campuchia. Cấp trên đưa về làm Phó chỉ huy trưởng BĐBP Đồng Tháp, ông Dũng từ chối, xin được về quê. Cuối năm 1987, ông Dũng được trở lại Bình Trị Thiên làm Phó chủ nhiệm chính trị, Phó đoàn vận động phòng chống vượt biên của BĐBP tỉnh.
 
Ba bố con cùng phục vụ trong Bộ đội biên phòng (ông Dũng ở giữa) ẢNH: VIỆT VĂN
Ba bố con cùng phục vụ trong Bộ đội biên phòng (ông Dũng ở giữa) ẢNH: VIỆT VĂN
Tháng 10.1988, khi tình trạng vượt biên ở cửa biển Thuận An (nay thuộc H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), diễn ra hết sức phức tạp, Trần Đình Dũng được giao làm Đồn trưởng Đồn BP 220 (nay là Đồn BP Thuận An). Không chỉ dành hết thời gian xuống địa bàn tìm hiểu, ông còn đưa ra nhiều biện pháp phối hợp với các lực lượng vận động nhân dân không vượt biên, giữ tính mạng cho dân.
Đảng viên gì thì cũng phải dựa vào dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong nhà vậy, ra ngoài cũng vậy. Có thế đất nước mới ổn định, phát triển và trường tồn
Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng
Năm 1991, ông Dũng trải qua khóa học chỉ huy tham mưu cao cấp BP ở Liên Xô (cũ). Ông trở thành tỉnh ủy viên của Quảng Trị khi mới 38 tuổi, trong cương vị Phó chỉ huy trưởng - tham mưu trưởng BĐBP Quảng Trị. Năm 1993, khi 40 tuổi, ông trở thành chỉ huy trưởng tỉnh trẻ nhất của toàn lực lượng BĐBP.
Dám nghĩ dám làm
Quảng Trị hồi ông Dũng làm Chỉ huy trưởng BĐBP là vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất. Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông Dũng chỉ đạo các đồn BP làm “trung tâm” vận động, giúp đỡ người dân bỏ du canh du cư, khai hoang phục hóa, tìm cây - con giống thích hợp trồng trọt, chăn nuôi. Quân y của các đồn tăng cường xuống với dân khám chữa bệnh, vệ sinh phòng dịch…
 
Hình cưới vợ chồng ông Trần Đình Dũng
Hình cưới vợ chồng ông Trần Đình Dũng
Sau khi phân định lại biên giới Việt Nam - Lào, ở các cụm dân cư 2 bên biên giới liên tục xảy ra mâu thuẫn. Ông Dũng đề xuất mô hình kết nghĩa các bản giáp biên và đến 1995, đề án “Kết nghĩa bản - bản trên biên giới” của ông đã được thực hiện, với mô hình đầu tiên là bản Densavan (H.Sepone, Savannakhet, Lào) và bản Ka Tăng (H.Hướng Hóa, Quảng Trị).
“Đã kết nghĩa thì việc đối ngoại ở biên giới rất thuận lợi. Các già làng trưởng bản sẽ tự đứng ra dàn xếp việc làng của cả 2 bên”, ông Trần Đình Dũng nói và cho biết thêm: Mô hình đã được nhân rộng toàn bộ tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Trung Quốc với tên gọi “Phong trào kết nghĩa cụm dân cư biên giới”, nhưng anh em vẫn gọi tắt là “kết nghĩa bản - bản” như khởi thủy.
Ở Quảng Trị, ông Dũng là người đầu tiên tổ chức phối hợp đấu tranh phòng chống ma túy giữa BĐBP với Công an tỉnh Savannakhet (Lào). Chuyên án đầu tiên được phá cách biên giới hơn 20 km, khiến nhiều người trong nội bộ BP, công an không đồng tình: “Sao đưa trinh sát sang nước bạn?”. Chỉ khi ông Dũng nói thẳng: “Đánh ma túy từ xa sẽ bất ngờ, hiệu quả và cũng là để giúp lực lượng bạn biết cách đánh. Nếu chuyên án thất bại, tôi xin chịu trách nhiệm” và Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương ủng hộ: “Ma túy là tội phạm quốc tế. Quốc gia nào cũng phải có trách nhiệm phòng chống”, ông Dũng mới hết bị... báo cáo giải trình.
Cuối năm 2007, ông Trần Đình Dũng được bổ nhiệm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng BĐBP và thăng quân hàm thiếu tướng. Một lần nữa, bà Hoàng Thị Lộc lại phải xin nghỉ hưu trước để ra Hà Nội chăm sóc chồng.
Bây giờ, thiếu tướng Trần Đình Dũng đã nghỉ hưu và 2 cậu con trai của ông bà nối nghiệp bố, gồm: thượng tá Trần Tuấn Anh (43 tuổi) làm Phó chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị; đại úy Trần Thái Sơn, quyền Đồn trưởng Đồn BP Hướng Lập (Đồn BP Cù Bai, đơn vị 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Ông Dũng bảo: “Nhà toàn sĩ quan đảng viên, nhưng răm rắp theo bà ấy hết”, rồi cười: “Đảng viên gì thì cũng phải dựa vào dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong nhà vậy, ra ngoài cũng vậy. Có thế đất nước mới ổn định, phát triển và trường tồn”...
Trong 7 năm làm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng BĐBP thiếu tướng Trần Đình Dũng đã để lại nhiều thành quả đầy ấn tượng như: tổ chức kết nghĩa các cụm dân cư 2 bên biên giới; nhân dân biên giới tham gia tự quản đường biên mốc giới, gắn với việc giao đất, giao rừng cho dân quản lý, sản xuất; tăng cường sĩ quan BP về xã tham gia cấp ủy, chính quyền; đổi mới công tác quản lý cửa khẩu; triển khai phân giới cắm mốc tại các tuyến biên giới và tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng; hiệp định phân định vịnh Bắc bộ được thực thi…
Theo Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm