Đô thị

Không gian sống

Nhà vệ sinh công cộng ở đô thị: Cần quan tâm đúng mức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù là công trình phụ nhưng nhà vệ sinh công cộng lại đáp ứng nhu cầu hết sức tế nhị, thiết yếu cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là du khách khi đến một đô thị. Song dường như điều này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầu tư đúng mức.
  • Trong một lần du lịch ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cách đây vài năm, chị bạn của tôi đã mê mẩn thành phố ngàn hoa này. Chị kể, không chỉ bởi khung cảnh đẹp, thơ mộng, con người gần gũi, hiền hòa, thức ăn ngon, đa dạng, chị còn có trải nghiệm khó quên đối với dịch vụ vệ sinh công cộng ở đây. Ghé vào một nhà vệ sinh công cộng gần ngay bên đường bờ hồ Xuân Hương, chị khá ấn tượng bởi sự chỉn chu từ đôi dép được để ngay ngắn bên cạnh cửa ra vào. Nền nhà, bồn vệ sinh cũng sạch sẽ, tươm tất như luôn có người túc trực lau dọn. Điều đó khiến chị thêm yêu mến thành phố du lịch này và muốn có thêm nhiều lần quay trở lại.
Cán bộ phường Tây Sơn (TP. Pleiku) dán logo nhận diện nhà vệ sinh miễn phí tại các cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia phong trào “Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng” cho khách du lịch. Ảnh: Hồng Thương

Cán bộ phường Tây Sơn (TP. Pleiku) dán logo nhận diện nhà vệ sinh miễn phí tại các cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia phong trào “Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng” cho khách du lịch. Ảnh: Hồng Thương

Quả thực, nhà vệ sinh công cộng là một yếu tố dù nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng khá lớn đến ấn tượng của du khách. Nhiều lần được tham gia các sự kiện văn hóa tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), tôi cũng nhận thấy năng lực phục vụ của nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, du khách. Mỗi khi có sự kiện quy tụ hàng ngàn người, khung cảnh nhốn nháo lại diễn ra trước khu vực nhà vệ sinh. Phòng vệ sinh nhỏ, bên dành cho nữ chỉ có 3 phòng.

Mật độ nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố thưa thớt cũng khiến không ít lần người đi đường phải xấu hổ, ngoảnh mặt quay đi khi thấy ai đó đang vội “giải tỏa nỗi buồn” ở ven đường, gốc cây hay trụ điện. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đô thị.

Mới đây, khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới đã đánh giá 2 thành phố lớn nhất Việt Nam có chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế rất thấp, đứng gần chót bảng. Cụ thể, Hà Nội đứng vị trí 66 và TP. Hồ Chí Minh xếp vị trí 67. Quả thực, với tốc độ phát triển nhanh, hiện đại, số lượng cư dân đô thị tăng nhanh cũng như sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước như hiện tại, tình trạng số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng ở các thành phố lớn nói chung và cả ở các đô thị trẻ nói riêng thực sự cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa.

Ở TP. Pleiku, cùng với 4 điểm vệ sinh công cộng, chương trình nhà vệ sinh cộng đồng là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận với hơn 800 điểm sẵn sàng phục vụ miễn phí là nhà dân, các quán cà phê, nhà hàng ăn uống… Dù vậy, để tránh sự ngại ngùng cho du khách khi đến với Phố núi và có trải nghiệm thoải mái nhất, việc quan tâm phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng và kêu gọi xã hội hóa lắp đặt nhà vệ sinh công cộng vẫn là điều cần được các cấp, các ngành quan tâm. Xa hơn nữa là nâng tầm thành nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ tốt hơn cho người dân, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho du khách. Điều đó cũng khiến cho đô thị Pleiku trở nên xinh đẹp, văn minh, thân thiện và hấp dẫn hơn đối với du khách gần xa.

Có thể bạn quan tâm