Nhà vô địch Olympia năm 2015: Ước mơ thành doanh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm sống “Không có gì là không thể” Văn Viết Đức (Trường THPT thị xã Quảng Trị)- thí sinh đã giành được vòng nguyệt quế tại cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ XV diễn ra vào sáng 16-8 tại Hà Nội với phần thưởng 35.000 USD trang trải chi phí cho chuyến du học đại học tại Úc. Trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai điện tử ngay sau khi kết thúc cuộc thi, Văn Viết Đức thật thà: “Em cho rằng  sự liều lĩnh, dám mạo hiểm đã giúp em chiến thắng và có kết quả tốt ở trận chung kết này… Em ước muốn trở thành một doanh nhân thành đạt, để giúp ích cho quê hương”.

Quà tặng mẹ
 

Văn Viết Đức học tập tại Trường THPT thị xã Quảng Trị. Ảnh: Bùi Oanh

Trong một chuyến công tác tại Quảng Trị, phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã được các thầy cô Trường THPT thị xã Quảng Trị giới thiệu gặp Văn Viết Đức khi em vừa chiến thắng tại vòng thi quý Đường lên đỉnh Olympia năm 2015 trở về. Ở lần tiếp xúc ấy chúng tôi đã hay, Đức luôn khát khao chinh phục kiến thức bằng sự chăm ngoan, cần cù, ham học hỏi cùng với đức tính khiêm tốn.

Trong 12 năm học tập, Đức luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 5, Viết Đức giành giải nhất cuộc thi “Rung chuông vàng” cấp huyện; năm lớp 9, đạt huy chương vàng cuộc thi giải toán qua mạng internet và huy chương bạc giải Casio cấp quốc gia; năm lớp 11, em đạt giải nhất Toán lớp 11 và Toán lớp 12 trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh Quảng Trị; trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 em thi đại học đạt điểm rất cao, 28,5 điểm. Riêng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15, Đức đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi tuần với 205 điểm, tháng với 360 điểm, và cuộc thi quý I với 225 điểm. Đức lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15 cũng là lúc trường THPT thị xã Quảng Trị-nơi em học kỷ niệm 40 năm thành lập trường.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở quê nghèo xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, bố làm kiểm lâm thường xuyên đi công tác xa nhà nên việc học tập của Đức là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em này đều do bàn tay mẹ em kèm cặp.

Kết thúc cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2015, Viết Đức cho biết: “Em cho rằng  sự liều lĩnh, dám mạo hiểm đã giúp em chiến thắng và có kết quả tốt ở trận chung kết này… Em ước muốn trở thành một doanh nhân thành đạt, để giúp ích cho quê hương”. Thế nhưng, khi hỏi điều gì khiến em lo sợ nhất? Cậu học trò khôi ngô này nói ngay: “Sợ nhất mỗi khi làm mẹ buồn”. Đức thật thà: “Thuở nhỏ em rất nghịch ngợm, thậm chí có khi lười học. Nhưng mẹ em (cô giáo tiểu học Trần Thị Mỹ) chưa bao giờ răn dạy em bằng roi vọt. Mẹ chỉ nhắc: “Con là anh cả, phải làm gương cho hai em”. Nhớ lời mẹ răn dạy nên em quyết tâm ra sức học tập”. Nói về bí quyết học tập, Đức cho biết, cố gắng nắm chắc kiến thức trên lớp và sách giáo khoa sau đó mới tham khảo kiến thức, tài liệu nâng cao để trau đồi kiến thức. Ngoài ra, thường xuyên cập nhật các thông tin xã hội đang diễn ra quanh mình qua các tài liệu, sách, báo và tạp chí.

Vỡ òa sau vài lần suýt đứng tim

 

Cổ động viên cổ vũ cho Văn Viết Đức tại sân Trường THPT thị xã Quảng Trị. Ảnh: Bùi Oanh

Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị nằm khép mình bên Thành cổ Quảng Trị-địa danh từng vang lên trong các bản tin chiến sự của tất cả hãng thông tấn trên thế giới tròn 43 năm trước-mùa hè đỏ lửa 1972. Vào sáng 16-8-2015 “nóng” từng giây đến lạ thường. Thầy trò nhà trường cùng đông đảo người dân quanh vùng mang theo băng rôn khẩu hiệu, ngồi kín sân Trường THPT thị xã Quảng Trị từ sớm để dõi theo và cổ vũ cho Văn Viết Đức-cậu học trò đầu tiên từ miền quê cát trắng Quảng Trị đi tranh tài tại cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia- sân chơi trí tuệ dành cho lứa tuổi THPT uy tín này của Đài Truyền hình Việt Nam suốt 15 năm qua.

Diễn biến chung kết Đường lên đỉnh Olympia hấp dẫn trong từng câu hỏi. Đặc biệt, trước khi các thí sinh bước vào phần thi vượt chướng ngại vật, Ban tổ chức lại thông báo, do sự nhầm lẫn ở câu hỏi tiếng Anh-phần thi khởi động nên thí sinh Văn Viết Đức bị trừ 10 điểm. Mọi người ở đầu cầu truyền hình sân Trường THPT thị xã Quảng Trị bắt đầu cảm thấy âu lo. Thế nhưng ở trường thi, Văn Viết Đức thay vì trả lời đáp án câu hỏi từ hàng ngang thứ 2 lại bất ngờ nhấn chuông trả lời đáp án “vân tay” dành cho ô chữ hàng dọc ở phần vượt chướng ngại vật.

 

Văn Viết Đức nhận vòng nguyệt quế tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ XV. Ảnh: Bùi Oanh

Tức khắc, đầu cầu truyền hình tại Trường THPT thị xã Quảng Trị mọi người gần như đứng tim khi Đức lạnh lùng nói cười với người dẫn chương trình tại trường quay “hình như câu trả lời của em chưa chính xác”. Đáp lại, MC Tùng Chi không đưa ra đáp án ngay mà nói rằng “Theo quy định cuộc thi thì với đáp án vừa đưa ra, Viết Đức không được tiếp tục thi tiếp ở phần thi này… Nhưng chính đáp án này đã mang về cho em thêm 60 điểm từ ô chữ hàng dọc cộng 30 điểm ở ô chữ hàng ngang đầu tiên. Viết Đức đã giành được 130 điểm sau phần thi khởi động và vượt chướng ngại vật”… Cả sân Trường THPT thị xã Quảng Trị lại vỡ òa trong miền vui vì cậu học trò xuất sắc của mình tiếp tục giữ danh hiệu mà mọi người vui gọi: “Vua vượt chướng ngại vật”.

Ở 3 phần thi trước khi diễn ra chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ XV, Viết Đức đều giải được từ khóa với chỉ một gợi ý. Tiếp đó, Viết Đức trực tiếp bước vào phần thi về đích với gói câu hỏi 40 điểm. Song ở hai câu hỏi 10 điểm đầu tiên, Đức không những không ghi được điểm mà còn bị đối thủ ngang bằng số điểm của Đức hiện đang có lúc đó là Nhật Trường “cướp” mất 20 điểm. Ở câu hỏi cuối Viết Đức trả lời đúng và nhận được 20 điểm…

 

Văn Viết Đức nhận phần thưởng 35 ngàn USD từ nhà tài trợ để phục vụ chi phí cho chuyến du học Đại học tại Úc. Ảnh: Bùi Oanh

Đồng hồ điểm chuông 12 giờ trưa, cả sân Trường THPT thị xã Quảng Trị lại một lần nữa vỡ òa trong miền vui tột độ khi cậu học trò và cũng là người con ưu tú đất mẹ Quảng Trị-Văn Viết Đức đĩnh đạc bước lên bục vinh quang nhận vòng nguyệt quế giành cho người chiến thắng với 250 điểm tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ XV.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm