Nhà xưa trên đất An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến văn hóa-lịch sử miền đất Tây Sơn Thượng đạo là nhắc đến cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn huyền thoại và sự giao lưu văn hóa của dân cư Kinh-Thượng. Trải qua thời gian trên 200 năm, những ngôi nhà xưa trên đất Tây Sơn Thượng đạo, nay là An Khê, vẫn giữ được nguyên vẹn kết cấu xây dựng ban đầu của nó, là minh chứng cho nếp sống, sinh hoạt tinh thần của lớp người Kinh đầu tiên cư trú tại An Khê vẫn còn lưu giữ lại.

Thị xã An Khê ngày nay, tức vùng đất Tây Sơn Thượng đạo xưa kia, có địa thế hiểm trở, dễ phòng thủ và khó tấn công nên đã được Tam kiệt nhà Tây Sơn chọn làm nơi khởi binh dựng nghiệp. Đây cũng là cửa ngõ tiếp giáp giữa Tây Nguyên và vùng Duyên hải Trung bộ nên ngay từ những cuộc di dân đầu tiên từ miền xuôi lên miền ngược, An Khê chính là nơi định cư của cộng đồng người Kinh lên vùng Thượng. Từ đó, những ngôi nhà truyền thống của người Việt xưa đã mọc lên bên cạnh những ngôi nhà mang kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên.

Những chứng nhân thời gian

 

 Ngôi nhà cổ của ông Bùi Sinh. Ảnh: Hồng Thương
Ngôi nhà cổ của ông Bùi Sinh. Ảnh: Hồng Thương

Theo một số khảo cứu, trong thời kỳ dựng nghiệp của nhà Tây Sơn, những chủ nhân giàu có đã có đủ năng lực kinh tế xây dựng nên những ngôi nhà cổ vững chãi mà đến nay vẫn còn tồn tại trên đất An Khê. Những ngôi nhà này đã trở thành chứng nhân trước bao thăng trầm lịch sử, che chở, cưu mang cho nhiều cán bộ yêu nước hoạt động cách mạng. Điển hình như đồng chí Đỗ Trạc-Bí thư đầu tiên của An Khê-đã từng có thời gian ở tại ngôi nhà cổ của ông Bùi Sinh (tổ 15, phường An Phú, thị xã An Khê).

Nhà cổ của ông Bùi Sinh nằm cách đình Tây Sơn Thượng đạo khoảng 200 mét. Ngôi nhà này đã trở thành nơi bao bọc, chở che cho 8 thế hệ người con của dòng họ Bùi. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1759, được kiến tạo theo lối tam đọa, ba gian hai chái, dài khoảng 16 mét, ngang 8 mét. Các vì của căn nhà được làm bằng gỗ thò đo, một loại gỗ rất hiếm. Kèo và xà đều uốn hình rồng, đầu chạm rồng. Ba gian ngoài cách biệt với gian trong bằng cửa ngăn. Mái nhà được làm bằng hệ thống xà gồ rất dày, phía trên lợp một lớp vỏ cây kiền kiền rồi đắp lên lớp đất sét nhuyễn trộn với rơm, sau đó mới lợp tranh. Đến năm 1959, do bị hư hỏng, nước mưa thấm vào nhà nên mái lá này được chủ nhân của ngôi nhà khi ấy là ông Bùi Meo-bố của ông Bùi Sinh-thay thế bằng mái ngói.

Cách ngôi nhà của ông Bùi Sinh chừng 100 mét là ngôi nhà của ông Huỳnh Ngọc Sơn. Tuy không được xếp vào danh sách nhà cổ nhưng theo người nhà của ông Sơn, ngôi nhà được xây dựng lâu đời trên đất An Khê, trở thành nơi trú ngụ cho cháu con 5 đời tộc họ Huỳnh. Ngôi nhà có kiến trúc tổng thể gồm 3 gian, 2 chái, nhiều cột ngang dọc đỡ mái nhà. Tất cả những bộ phận của ngôi nhà như cột nhà, lớp rầm (trần nhà), xà gồ, bàn pha… đều được làm từ các loại gỗ quý, bền chắc như: thò đo, kiền kiền, tứ thiết. Vách nhà được làm bằng đất trộn với rơm, cát bao phủ bên ngoài sườn vách là những cây chằn rằn, cây sặc được buộc bằng lạt tre. Cách thiết kế ngôi nhà rất thích hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đặc điểm tiêu biểu nhất là lớp rầm cách mái nhà chưa đầy một mét với kết cấu lát một lớp vỏ cây kiền kiền phía dưới rồi đắp lớp đất bùn trộn tranh phía trên. Lớp rầm này trở thành một lớp cách nhiệt hoàn hảo, giúp ngôi nhà trở nên ấm vào mùa đông và mát trong mùa hè.

Cần đưa vào khai thác du lịch

 

Hàng ngày, bà Huỳnh Thúy Đào vẫn đến trồng rau trong vườn nhà xưa của dòng họ Huỳnh để trông giữ căn nhà.
Hàng ngày, bà Huỳnh Thúy Đào vẫn đến trồng rau trong vườn nhà xưa của dòng họ Huỳnh để trông giữ căn nhà.  Ảnh: Hồng Thương

Mặc dù đã trải qua một thời gian tồn tại rất dài, chịu sự tàn phá của chiến tranh và thời gian nhưng như một sự thần kỳ, những ngôi nhà xưa trên đất An Khê vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng ban đầu của nó. Tuy vậy, trước sự tàn phá của thời gian, một số bộ phận của căn nhà bắt đầu có dấu hiệu bị mục, trần nhà đã bị thấm nước vào mùa mưa, vách nhà bắt đầu bị rạn, nứt. Để giữ gìn “báu vật” của dòng họ, thế hệ hậu sinh của những căn nhà này đều rất trăn trở trong việc tìm cách gìn giữ, bảo quản nếp nhà-di sản vật chất quý báu của cha ông để lại.

Bà Huỳnh Thúy Đào-chị gái của ông Huỳnh Ngọc Sơn từng sinh ra và lớn lên trong căn nhà cổ của dòng họ Huỳnh chia sẻ: “Ngày xưa, khi cha tôi (ông Huỳnh Chương-P.V) còn sống, tôi thường nghe ông kể rằng, xưa kia, khi dòng họ lên đây lập nghiệp, vùng đất này còn là rừng núi hoang vu nên ngôi nhà được dựng nên bằng chính những cây gỗ mọc tại chỗ. Thời gian qua, ngôi nhà đã bắt đầu hư hỏng ở một số bộ phận, gia đình đã có ý định trùng tu nhưng vì kinh phí quá ít nên tới giờ vẫn chưa thể thực hiện. Phần nữa, nếu gia đình tự phát trùng tu ngôi nhà này thì e rằng sẽ mất đi nét cổ kính của nó. Vì vậy, rất mong có sự hỗ trợ của Nhà nước để giữ gìn được ngôi nhà bền chắc hơn”.

Anh Phạm Tấn Lộc-hàng xóm của hai ngôi nhà trên thì chia sẻ suy nghĩ: “Theo tôi, những ngôi nhà này cũng là một trong những công trình góp phần làm nên nét đẹp đậm chất lịch sử cho vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Vì vậy, nếu kết hợp khai thác tiềm năng của những ngôi nhà với các điểm di tích lịch sử khác như: Hòn đá Ông Nhạc, Đình An Lũy, An Khê Đình... sẽ rất có lợi cho sự phát triển du lịch của địa phương”.

Theo ông Lê Văn Hiệp-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã, khi nào Nhà nước có hướng trùng tu, tôn tạo Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo, đơn vị sẽ đưa ngôi nhà cổ của ông Bùi Sinh vào làm điểm nhấn để cho khách tham quan du lịch vì ngôi nhà đó chỉ cách Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo 300 mét. Còn việc bảo tồn, gìn giữ các ngôi nhà xưa đều do ý thức người dân tự gìn giữ.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm