Báo xuân

Nhạc sĩ Đỗ Lập và tình yêu biển đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi muốn kể câu chuyện về một người bình dị, nhưng việc làm của ông thì thật công phu và đáng khâm phục. Một mình đi khắp 63 tỉnh, thành để làm “thức dậy lòng yêu biển đảo quê hương, với vạn vạn bút tích về lòng yêu nước gửi đến các chiến sĩ Trường Sa”. Ông là nhạc sĩ Đỗ Lập.

Gõ cửa những trái tim...

Tính từ ngày xuất phát 22-12-2014, đến nay đã hơn 730 ngày có lẻ, ông vẫn mải mê gõ cửa những trái tim, giao lưu với mọi lứa tuổi… về chủ đề biển đảo của Tổ quốc. Đến nay, ông đã nhận gần 73.000 lượt người ghi vào sổ vàng bút tích của mình, với những lời tâm huyết của hậu phương gửi đến cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên giới và biển đảo quê hương.

 

Nhạc sĩ Đỗ Lập (bên trái) và tác giả. Ảnh: L.L

Nói về nhạc sĩ Đỗ Lập một mình xuyên Việt, ta chỉ cần gõ trên Google là sẽ có tới hàng chục triệu kết quả. Để có kết quả ấy, ông đã 2 lần xuyên Việt trên chiếc xe máy cũ kỹ của mình. Nhạc sĩ Đỗ Lập đã được cả nước biết đến trong chuyến hành trình xuyên Việt đầu tiên năm 2010 đến 63 tỉnh, thành, lấy mỗi nơi một nắm đất thiêng để đúc nên một bản đồ Việt Nam độc đáo. Sa bàn này ông đã tặng và trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Mặc dù đã 70 tuổi, nhưng nhạc sĩ Đỗ Lập vẫn còn nặng nợ với quê hương, muốn làm gì đó cho các chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Từ suy nghĩ đó, ông quyết định thực hiện chuyến xuyên Việt bằng xe máy lần 2 để ghi nhận tình cảm của đồng bào, đặc biệt là tình cảm của thế hệ trẻ gửi đến các chiến sĩ biên cương và hải đảo.

Tôi gặp ông là hữu duyên. Ấy là cuối năm 2014 khi ông qua Pleiku trên đường hành trình phương Bắc. Còn lần thứ hai là khi ông từ Lũng Cú (Hà Giang) về qua các tỉnh dọc đường Hồ Chí Minh. Ông trở lại Gia Lai đúng ngày 1-1-2016 theo lời hẹn trở lại thăm Gia Lai, thăm đồng bào biên giới. Qua chuyện trò, tôi biết thêm tên đầy đủ của ông là Đỗ Thành Lập, sinh năm 1946 tại Nhị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Là con em của gia đình kháng chiến, ông theo gia đình tập kết ra Bắc năm 1954, lúc mới lên 9 tuổi. Vinh dự trong cuộc đời ông là 2 lần được gặp Bác Hồ. Năm 1974, ông tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu. Sau ngày thống nhất đất nước, ông là giáo viên giảng dạy tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh. Ông say mê âm nhạc và đã trở thành nhạc sĩ, sáng tác rất nhiều ca khúc về biển đảo.

Ông nói với mọi người rằng: “Lập nợ một lời hứa”. Tôi hỏi hứa với ai? Ông bảo hứa với chính lòng mình. Nguyện ước của Đỗ Lập là một lần được đến với quần đảo Trường Sa. Và món quà ông sẽ mang đến cán bộ, chiến sĩ Trường Sa chính là vạn vạn chữ ký từ đất liền gửi về biển đảo.

Xin làm người “bưu tá”

Tôi đã từng đến Trường Sa năm 2011. Chúng tôi có nhiều điều cùng quan tâm để chuyện trò với nhau về biển đảo, về cuộc sống của người lính nơi đảo xa. Ông cảm động kể cho tôi nghe về tấm lòng của những người ông gặp trong những buổi giao lưu, những khát khao mong đất nước luôn thanh bình, nhưng cũng luôn sẵn sàng cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Khi xem lướt qua, chúng ta sẽ thấy những dòng lưu bút chứng minh điều đó. Như lời của họa sĩ Trần Miên (Kon Tum): “Tôi chưa một lần đến Trường Sa, nhưng tôi luôn hướng về Trường Sa nơi biển đảo quê hương, gửi các anh nơi hải đảo xa xôi tấm lòng chân thành yêu biển đảo của mình. Mong các anh giữ bình yên biển đảo”. Hay có lời chỉ ghi: “Chúc các anh luôn mạnh khỏe, vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc”. Một người con của dân tộc Ktu thì viết: “Xin gửi đến đồng bào và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa lời tri ân sâu sắc. Chúc đồng bào và chiến sĩ nơi biên cương sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó”…

Không chỉ viết về biển đảo, biên giới, hành trình của nhạc sĩ Đỗ Lập còn hơn cả lời nói. Đã có nhiều tác phẩm báo chí đề cập đến hành trình của ông, vậy nhưng, khi nói về mình, ông chỉ xin được làm người “bưu tá” đến nhận những tấm lòng, những tri ân và chuyển tải tình yêu quê hương, biển đảo đến tiền tuyến mà thôi.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm