Nhạc trên xe buýt: Mở cho ai nghe?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên mọi tuyến xe buýt, tài xế hoặc tiếp viên thường mở nhạc, thông qua loa trong ca-bin, phát ra rả suốt hành trình dài. Cứ tưởng chuyện này nhỏ nhặt, nhưng thật ra là cả vấn đề rắc rối.
 

Ảnh minh họa.

Là người thường xuyên đi xe buýt, tôi nghĩ nhạc là để phục vụ tất cả hành khách, kể cả bác tài. Xuyên suốt đoạn đường dài, mắt tài xế tập trung nhìn về phía trước, cảm giác im lặng rất dễ buồn ngủ. Trong khi hành khách thì có cảm giác ngột ngạt vì hơi người và không gian tĩnh lặng.  Vì vậy nhạc là cách để người ta thư giãn đầu óc, quên đi buồn phiền. Tuy nhiên, do nhạc có nhiều thể loại, mà sở thích của mỗi người chẳng giống nhau nên nảy sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Có xe, tài xế trẻ, nhân viên trẻ thích nhạc sôi động (rap, remix, rock) nên mở rất to, dập loa đùng đùng, còn hát theo rất phấn khích. Trong khi hành khách đa số là người trung niên, người già lại không thích thể loại này nên đành chịu trận. Có cụ vì quá khó chịu, đề nghị với tiếp viên nên đổi nhạc hoặc chỉnh âm thanh nhỏ lại một tí nhưng anh ta phớt lờ. Thành ra suốt đoạn đường, gương mặt của hành khách nhăn nhó khó coi. Chẳng ai tâm sự với người bạn kế bên của mình được câu gì vì nhạc mở to quá.

Lắm lúc đi xe gặp bác tài xế lớn tuổi, mở radio giữa trưa, than ôi buồn ngủ não nề. Nhờ nhân viên soát vé nói lại với bác tài cho chuyển kênh radio nào đó có sinh khí, tươi tắn một chút nhưng cô tiếp viên lắc đầu: “Ông ấy mê ca cổ, cải lương lắm, không đổi được đâu em”. Lại cũng nhiều chú tài xế lớn tuổi mê nhạc, thả hồn du dương vào những giai điệu sâu lắng bolero thì bị đám học sinh choai choai ngồi trên xe làm ồn ào khiến bác tài bực mình, yêu cầu phải im lặng, đừng làm ồn mọi người nghe nhạc (?!).

Rõ ràng hành khách đi xe buýt ở thế thụ động khi nghe nhạc... Họ không có quyền đòi hỏi bác tài phải mở nhạc theo yêu cầu, trong khi xe buýt là để phục vụ hành khách chứ không phải phục vụ nhà xe, tài xế hay tiếp viên. Có đôi lúc, khi hành khách yêu cầu đổi nhạc, tiếp viên đã buột miệng: “Đi có 5-6 ngàn đồng cũng đòi hỏi”. Thử hỏi, 5-6 ngàn đồng không phải là tiền và người ta đi bằng tiền chứ nào miễn phí?

Như đã nói trên, “chín người mười ý” nên khó làm hài lòng tất cả. Vì nếu như hành khách này đòi mở nhạc trẻ, hành khách nọ lại yêu cầu nghe cải lương thì rất khó xử cho bác tài và tiếp viên. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, nhạc mở trên xe không phải là dành riêng cho bác tài và tiếp viên cảm thụ. Vì vậy không thể tra tấn người già bằng thứ nhạc remix vũ trường đùng đùng chói tai. Lẽ ra tài xế cần biết dung hòa bằng nhạc nhẹ, nhạc bolero, âm thanh điều chỉnh nhỏ thôi để tránh làm phiền những người không thích ồn ào. Hoặc có thể chuyển qua kênh radio bằng những tin thời sự, văn nghệ, giao thông rất chi là sốt dẻo, dễ nghe, dễ tiếp nhận ở mọi độ tuổi. Như vậy chẳng ai có lý do gì để phiền hà.

Nguyễn Hoàng Duy

Có thể bạn quan tâm