Nhân dân Gia Lai luôn hướng về biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn hướng về biển Đông, nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Người người, nơi nơi đều phản đối Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào hải phận của Việt Nam và hung hăng bắt người, ngăn cản, phun nước, đâm va vào tàu thuyền đánh cá và thi hành công vụ của Việt Nam. Càng bất bình, người dân tỉnh Gia Lai càng chia sẻ những khó khăn, ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất đến với những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tăng cường giáo dục lòng yêu nước

Nhằm góp phần giúp đỡ mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử nước nhà, nâng cao dân trí, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của công dân đối với việc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh liên tục đổi mới nội dung, tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các trang thông tin điện tử, đài truyền thanh các địa phương... đã và đang tích cực cập nhật những thông tin thời sự, đa dạng hình thức tuyên truyền, tăng số lượng in ấn, tăng thời lượng thu phát sóng tuyên truyền về tình hình biển Đông. 

 

Cán bộ, nhân dân phường Hội Thương, TP. Pleiku đứng cầm cờ, xếp hình Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: H.C
Cán bộ, nhân dân phường Hội Thương, TP. Pleiku đứng cầm cờ, xếp hình Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: H.C

Hơn 300 người sinh sống trên địa bàn phường Hội Thương, TP. Pleiku đã tự nguyện cầm cờ, xếp hình Tổ quốc, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Các bảo tàng thường xuyên tổ chức trưng bày hàng ngàn hiện vật, hình ảnh, tư liệu, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa. “Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với 4 huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức xong các cuộc triển lãm hiện vật về biển đảo, trong đó đặc biệt chú ý tuyên truyền kỹ về Hoàng Sa, Trường Sa. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển lãm, tuyên truyền sâu rộng về đề tài này”-bà Mai Thị Cúc-Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của công dân. Các tầng lớp nhân sĩ trí thức, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nêu cao ý chí bảo vệ biển Đông. Sinh viên, học sinh luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Rất nhiều người chưa một lần tận thấy biển Đông, chưa một lần đặt chân trên những bãi biển, nhưng mỗi khi nghĩ về hoặc nghe thấy hình ảnh biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những trái tim người Gia Lai luôn hướng về biển đảo quê hương.

Điều đó lý giải cho việc đề thi THPT vừa qua đề cập đến vấn đề thời sự: Trung Quốc ngang ngược xâm nhập và hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam… đã nằm trong dự đoán của nhiều học sinh học giỏi môn Ngữ văn ở tỉnh ta. Không chỉ có những người có nhiều điều kiện mà ngay những người ít cập nhật thông tin như già làng Nay Tơ, Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) cũng nhận thức rõ trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Già Nay Tơ bức xúc: “Biển đảo của Việt Nam như cái nhà riêng của ta mà Trung Quốc nó tự đến phá phách, chống đối thì không thể chấp nhận được”.

Những hành động thiết thực

Năm 2010, Bảo tàng tỉnh Gia Lai hân hoan tiếp nhận 10 cây bàng vuông-loại cây xanh phát triển trên thổ nhưỡng khắc nghiệt các đảo nổi và 21 hòn đá san hô được các chiến sĩ Hải quân lấy từ các đảo: Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Bình Nguyên, Tri Tôn, Phan Vinh... 10 cây bàng lá vuông này đang trồng và chăm sóc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. 21 hòn đá đang trân trọng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. “Những hiện vật từ biển đảo quê hương đã, đang được bảo quản chu đáo và luôn được Bảo tàng tỉnh trân trọng giữ gìn, trưng bày phục vụ mọi người...”-bà Mai Thị Cúc-Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết thêm.

Ngoài việc tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà đến tận tay cán bộ, chiến sĩ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các cấp, các ban ngành trong tỉnh Gia Lai còn tích cực hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, đóng góp tiền của xây dựng “Quỹ hướng về biển đảo”... Bà Võ Thị Vân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ia Yok khẳng định: “Tuy là xã khó khăn của huyện biên giới Ia Grai, nhưng bà con xã Ia Yok rất tích cực đóng góp “Quỹ hướng về biển đảo”. Đến chiều 7-7-2014, bà con xã Ia Yok đã đóng góp đợt I được gần 80 triệu đồng ủng hộ cán bộ, chiến sĩ bảo vệ biển Đông, nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Không chỉ có bà con vùng sâu, vùng xa, bà con các dân tộc, các tôn giáo cũng đang thành tâm cầu nguyện hòa bình cho đất nước và đóng góp tiền của ủng hộ cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên cương biển đảo.

Ông Phạm Văn Bình-Phó Chánh văn phòng Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Trong 6 ngày (từ ngày 2 đến hết ngày 7-7-2014), các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã đóng góp ủng hộ chiến sĩ, kiểm ngư và ngư dân hơn 506 triệu đồng, trong đó Ni trưởng Thích Hạnh Nguyện-Trụ trì chùa Bửu Sơn, tổ 1, phường Yên Đổ, TP. Pleiku ủng hộ 30 triệu đồng, ông Hoàng Văn Lan-Chủ doanh nghiệp tư nhân Hiệp Lợi (huyện Kbang) ủng hộ 15 triệu đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, nhưng chưa tổng hợp báo cáo và chuyển tiền vào tài khoản của Ủy ban MTTQ tỉnh...”.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm