Tưởng như sau ngày ông Táo, mọi người chỉ còn lo chuyện bánh chưng, hoa Tết thì đùng cái Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước với các cán bộ Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Thông tin gây choáng váng này khiến nỗi bức xúc "Xuân này con không về" của nhiều người Việt ở nước ngoài đã được giải tỏa phần nào.
Trong năm 2021, đã có trên 800 chuyến bay từ 60 quốc gia đưa khoảng 200 ngàn người Việt Nam về nước. Đại dịch Covid-19 xuất hiện, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có các chuyến bay giải cứu công dân nước mình, khi không còn các chuyến bay thương mại thì đúng là mọi người lâm vào cảnh "đi dễ, khó về". Bạn tôi ở nước ngoài than: "Quê hương nếu ai có nhớ, cũng không có lối để về" bởi giá vé cao ngất.
Thời gian đầu, những chuyến bay giải cứu đã được thực hiện đúng với bản chất nhân đạo của nó. Những chuyến bay đón công dân từ Vũ Hán, những chuyến bay sang tận Châu Phi xa xôi để đón công nhân trong đó có nhiều người mắc Covid-19. Rồi từ nhiều nơi khác trên thế giới, những người Việt mắc kẹt ở các nước đã bật khóc khi được trở về đất mẹ giữa lúc cao điểm dịch ở Mỹ, ở Châu Âu, ở Ấn Độ...
Nhưng ngày càng nhiều những bức xúc từ các chuyến bay giải cứu. Danh sách những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa về theo thứ tự ưu tiên đã được công bố: Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã học xong và gặp khó khăn về nơi ở; người đi công tác ngắn hạn bị mắc kẹt gặp khó khăn về nơi ở và tài chính; người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền; khách du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh hết hạn visa… Thế nhưng dường như không ít người được đưa về là sinh viên "con nhà giàu", trong khi người đúng đối tượng ưu tiên thì ở lại.
Đã có rất nhiều lời kêu cứu lan truyền trên mạng, từ các nhóm người lao động Việt Nam ở Nhật, ở Malaysia, các nhóm khách du lịch từ Singapore. Họ mất việc, mất nơi ở, kiệt quệ đến cả đồ ăn thức uống, hết tiền, sống nhờ sự cưu mang của chùa Việt Nam hay của cộng đồng, lay lắt chờ giải cứu. Nhìn cảnh đó, người bình thường còn xót xa, chẳng nhẽ người có trách nhiệm bảo hộ công dân không động lòng?
Khi việc đưa công dân về nước được mở rộng với các chuyến bay combo, gồm cả vé máy bay, cách ly tự chọn ở khách sạn, thì những con số hiện ra rất rõ.
Hàng trăm chuyến bay giải cứu đã được thực hiện trong 2 năm qua. Ảnh: NVA |
Bay gần, như từ Philippines về Việt Nam thời gian bay cũng chỉ ngang Sài Gòn - Hà Nội, nếu trước đây giá vé chỉ từ 2,2-5 triệu đồng, thì giờ phải trả 43 triệu đồng,đắt hơn 10 lần.
Từ Châu Âu hay Mỹ, giá vé máy bay về cũng ngất ngưởng, ngoài ra là những dịch vụ ăn theo được công bố với "giá trên trời", như đi cách ly cách sân bay chừng 100km mà giá vận chuyển ô tô 5,5 triệu/người.
Không khó để tìm thấy các thông báo về những "chuyến bay charter" giá vài nghìn euro, vài nghìn USD mà quy đổi ra tiền Việt chừng 100 triệu đồng. Cuối năm 2021, một Việt kiều Ba Lan cho biết anh chọn máy bay thương mại của Hàng không Qatar về Việt Nam chỉ với giá 510 USD, chỉ bằng 30% bay charter của hàng không nội.
Khi Việt Nam ngừng các chuyến bay thương mại thì bay charter – thuê bao nguyên chuyến theo yêu cầu khách hàng - là cách duy nhất để trở về với đất Mẹ, khách hàng không thể lựa chọn hãng hàng không, giá cả, loại máy bay, phù hợp với yêu cầu của mình. Mấu chốt ở chỗ không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp phép bay charter, quyền sinh, quyền sát nằm ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao địa chỉ được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ giải cứu công dân.
Khi mà cung nhiều hơn cầu và những người được giao trọng trách ở Cục Lãnh sự lại không ý thức được trách nhiệm của mình thì để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, các doanh nghiệp buộc phải "biết điều". Các cán bộ Cục Lãnh sự lúc này chỉ còn việc ngồi phòng lạnh ung dung chơi game "Hãy chọn giá đúng" khi nâng lên hạ xuống doanh nghiệp A, hay doanh nghiệp B khi cấp phép bay charter, bất chấp sự mòn mỏi của những người Việt ở nước ngoài.
Nhiều người cho rằng đứng trước "cơ hội Covid-19", bất kỳ người có trách nhiệm nào cũng phải bản lĩnh lắm mới không "dính chàm". Cơ chế đã tạo cho họ điều kiện, chỉ cần chậc lưỡi là có tiền, rất nhiều tiền thì làm thế nào để tránh được cám dỗ là chuyện không dễ. Tinh ý một chút cũng thấy, danh sách những người bị truy tố dường như tạo thành một "nhóm lợi ích" từ đầu vào khâu tiếp nhận hồ sơ Phòng Bảo hộ công dân, đi qua khâu trung gian Văn phòng và đích đến là "sếp" Cục Lãnh sự, đủ phối hợp hoạt động, che chắn "đi đường dài".
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân khi chưa tiêm đủ liều vaccine, Chính phủ đã quy định ngặt nghèo phê duyệt từng trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Các cơ quan đại diện Việt Nam trên toàn thế giới được giao thêm nhiệm vụ "cấp phép" cho từng công dân muốn được hồi hương. Người thì đông, cửa thì hẹp và tình trạng "cung cầu ít hơn cầu" là có thật. Kể cả đăng ký vào danh sách khẩn cấp "giải cứu công dân" rồi chờ trong nước phê duyệt phải mất hàng tuần.
Không ít người không đủ kiên nhẫn đành phải trả phí dịch vụ "trọn gói" để có được tấm vé với giá trên trời mới leo lên được máy bay "giải cứu công dân". Không ít người vì cạn tiền đành gạt nước mắt tìm cách mua vé máy bay đi Campuchia rồi đi đường bộ về Việt Nam, để lại một hình ảnh không mấy tốt đẹp trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.
Lòng tham không đáy của một số người được giao trọng trách, cấu kết lợi dụng một chính sách tốt đẹp của Đảng và nhà nước tìm cách sớm nhất để đưa những người con của đất nước hồi hương bị lợi dụng. Người ta ngang nhiên "ăn không chừa một thứ gì", trên cả nỗi đau thương trong mùa đại dịch Covid-19. Người dân muốn về nước cũng bị dài cổ chờ và đợi, doanh nghiệp muốn "bay giải cứu" cũng phải biết điều, tất cả điều này đã khiến dư luận trong và ngoài nước bức xúc trong thời gian dài. Nhiều người không đủ tiền mua vé máy bay và trả phí dịch vụ "giải cứu" để về thăm cha già, mẹ yếu phút lâm chung đành gạt lệ nơi xa đất khách, quê người hay giải quyết các công việc riêng cấp bách.
Đúng-sai của tình trạng duyệt danh sách, độc quyền chuyến bay và cách ly để kiếm tiền từ nước mắt đồng bào ở nước ngoài hồi hương trong đại dịch Covid-19 sẽ được cơ quan An ninh điều tra làm rõ và công bố trong thời gian tới. Nhưng khi Việt Nam đã nằm trong Top 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới khi đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine thì chả có lý gì cần bay charter để gây bao hệ lụy như thời theo đuổi chính sách "Zero Covid-19".
Hiện đã có 6 hãng hàng không, 3 công ty lữ hành hàng đầu cùng 2 tập đoàn lớn bậc nhất mảng du lịch, khách sạn Việt Nam và lãnh đạo Ban IV (Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) ký thư khẩn cấp gửi Thủ tướng đề nghị công bố mở cửa du lịch quốc tế ngay và luôn, từ 01/2/2022, ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch. Hãy mở rộng bầu trời để đón những người con xa quê hồi hương nhân dịp đầu năm mới, đón một cách đàng hoàng minh bạch, để không còn ai có thể lợi dụng một chính sách tốt đẹp, nhân danh những chuyến bay giải cứu mà trục lợi trên cuộc sống của đồng bào.
Theo Nguyễn An Thanh (Dân Việt)