Thời sự - Bình luận

Nhận diện để đấu tranh hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-2, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân-Giá trị lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 55 năm ngày tác phẩm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận tham gia phân tích, làm sáng rõ thêm những giá trị lý luận và thực tiễn về vấn đề nhận diện và đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo.

Với những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, các nhà nghiên cứu, nhà lý luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản thì tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tài liệu rất quý giá. Dù chỉ có dung lượng gần 700 từ nhưng tác phẩm lại hàm chứa nhiều nội dung quan trọng, mang tính hệ thống, thể hiện tư tưởng nhất quán của Bác về vai trò của đạo đức cách mạng và xây dựng Đảng về đạo đức là “kim chỉ nam”, “cẩm nang” trong nhận diện và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là “một thứ vi trùng rất độc”, là “giặc nội xâm”, là “kẻ địch nguy hiểm ở bên trong mỗi con người”, “là một loại kẻ thù giấu mặt” và “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Cán bộ, đảng viên mắc vào chủ nghĩa cá nhân thì sẽ giảm sút ý chí chiến đấu, suy giảm đạo đức cách mạng; lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, thậm chí làm hại đến lợi ích của tập thể, của cách mạng chỉ vì để mưu cầu lợi lộc cho riêng mình.

Mấy năm gần đây, số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị phát hiện năm sau dường như lúc nào cũng nhiều hơn năm trước. Con số 17.808 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2023 của cả nước mà Bộ Nội vụ công bố đã khiến nhiều người phải giật mình.

Những khuyết điểm khiến họ bị kỷ luật muôn hình vạn trạng nhưng chung quy vẫn là thiếu trung thực như: khai gian tuổi công tác, khai man lý lịch; tung tin đồn thất thiệt, làm rối loạn lòng người, gây mất đoàn kết nội bộ; giấu khuyết điểm, khoe khoang thành tích; lo lót, chạy chọt, mua bán bằng cấp, chức quyền; nói nhiều, làm ít; nói hay, làm dở; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác ngoài hội nghị, nói trước tập thể khác với cá nhân, nói với cấp trên khác với cấp dưới, nói với đảng viên khác với quần chúng; thiếu công bằng, hay thiên vị; “yêu nên tốt, ghét nên xấu”...

Vì vậy, cần phải nhận diện chính xác những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để đấu tranh đẩy lùi căn bệnh nguy hại này. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, giúp mỗi người hoạt động trong hệ thống chính trị nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thanh sạch, liêm khiết là liêm. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm việc vì lợi ích chung…”.

Xây dựng văn hóa liêm chính giúp bộ máy nhà nước trong sạch, giúp cán bộ gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Do đó, cần kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính ở mọi lúc, mọi nơi, nổi bật là đề cao cơ chế kiểm soát, giáo dục và thực thi pháp luật từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Cần tăng cường kiểm soát những người có chức, có quyền. Vì khi có quyền lực, cán bộ thiếu lập trường sẽ dễ lãng quên văn hóa liêm chính, dễ sa ngã, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Đi theo Đảng để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho Nhân dân. Tự bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần phải biết cách tự soi tự sửa, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, lấy “liêm chính” làm bài học dẫn đường để không đi chệch đường lối, mục tiêu, lý tưởng cộng sản của mình.

Có thể bạn quan tâm