Xuất phát từ thực trạng đó, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận số 14-KL/TW nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”. Ngoài việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị cũng nhằm mục đích đẩy lùi “căn bệnh” sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý, giải quyết công việc.
Tiếp đó, ngày 19-4-2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 280/CĐ-TTg chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó yêu cầu phải kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý công việc, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, đồng thời khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, chủ động sáng tạo vì lợi ích chung.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Theo đó, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm từng bước được ngăn chặn, xử lý. Tuy vậy, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm khi tham gia xử lý công việc thuộc thẩm quyền. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) bị tụt hạng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; một số chương trình, dự án chậm triển khai…
Báo cáo nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chỉ rõ: “Kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng, sợ sai nên hiệu quả không cao”. Trong khi đó, dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh cũng cho rằng: “Một số sở, ngành, địa phương, cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc quy chế làm việc của UBND tỉnh, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, công tác phối hợp giải quyết công việc thiếu chặt chẽ. Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện e ngại, sợ làm sai hoặc đùn đẩy trách nhiệm”.
Cùng với đẩy mạnh đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, đã đến lúc, các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần sớm nhận diện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Có lẽ công cụ hữu hiệu nhất hiện nay là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên cố tình dây dưa, trì hoãn giải quyết công việc thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, động viên và khen thưởng thỏa đáng những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành, địa phương, đơn vị theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.