Thời sự - Bình luận

Nhân lực - 'chìa khóa' ngành bán dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một trong những lĩnh vực được coi là thế mạnh tiềm năng của Việt Nam trong khát vọng đưa công nghệ Việt Nam ra thế giới, cũng như phục vụ nhu cầu tại chỗ, đó là ngành vi mạch bán dẫn.
Nhân lực - 'chìa khóa' ngành bán dẫn (ảnh minh họa)

Nhân lực - 'chìa khóa' ngành bán dẫn (ảnh minh họa)

Ngành bán dẫn lại có nhiều phân khúc, công đoạn từ đơn giản đến phức tạp, từ có mức đầu tư vừa phải đến đầu tư rất lớn, từ ngắn hạn đến dài hạn. Và cho dù ở phân khúc nào, nhân lực chính là chìa khóa để giúp Việt Nam mở cánh cửa vào ngành vi mạch bán dẫn. Nói như ông Trần Đắc Trung, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), để thu hút đầu tư ngành bán dẫn thì phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối cả 3 trụ cột: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Về phía nhà nước, chúng ta đã có Chiến lược Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, trong đó đã xác định công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn… là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", xác định đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.

Về phía doanh nghiệp, chúng ta có một lợi thế khi được đánh giá như điểm đến lý tưởng cho các "ông lớn" công nghệ vi mạch bán dẫn thế giới và có thể "mượn" họ để đào tạo. Marvell (Mỹ) là một ví dụ.

Tập đoàn công nghệ "tỉ đô" này hoạt động thiết kế chip tại Việt Nam từ năm 2013. Năng lực của các kỹ sư bán dẫn Việt Nam luôn được Marvell toàn cầu đánh giá cao. Từ vài chục người vào năm 2013, đến nay, Marvell Việt Nam đã có gần 400 nhân sự, trong đó có tới 97% là kỹ sư. Ngoại trừ công đoạn phát triển kiến trúc hệ thống, hầu hết các công đoạn còn lại trong quy trình phát triển chip của Marvell trên toàn cầu đều có sự tham gia của "chất xám Việt Nam", thậm chí có những dự án hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thực hiện.

Trường hợp Marvell Việt Nam là một điển hình đầy sức thuyết phục cho năng lực của người Việt Nam trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và việc kết nối được trụ cột doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta có được nguồn nhân lực quý này.

Trụ cột thứ ba là nhà trường. Trong đề án về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn như nói trên, Việt Nam đề ra mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Với định hướng và những bước đi đúng như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng đào tạo 50.000 kỹ sư này.

Thời gian vàng cho thời cơ của Việt Nam để tham gia ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu chỉ vỏn vẹn có 3 năm là tối đa. Vì thế, Việt Nam cần có những giải pháp để có thể đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn càng nhanh càng tốt.

Và nền tảng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam chính là phải sớm xây dựng cho được một hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam khả thi và thực chất.

Theo PHẠM HỒNG PHƯỚC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm