Thời sự - Bình luận

Nhân lực cho sân bay Long Thành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhân lực cho sân bay Long Thành phải có chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia.

Tại Hội nghị đào tạo nguồn nhân lực vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 13.3, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, nhiều lần nhắc đi nhắc lại vấn đề tạo cơ hội, ưu tiên tuyển lao động người địa phương, đặc biệt là người dân H.Long Thành vào làm việc trong sân bay.

Vì sao vấn đề này được đặt ra? Bởi đây là những người đã giao đất, chấp nhận hy sinh để xây dựng sân bay. Trước đó, để xây dựng sân bay Long Thành (rộng 5.000 ha) đã có gần 5.500 hộ gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu phải di dời đi nơi khác, nhường đất cho một sân bay được đánh giá hiện đại hàng đầu khu vực.

Với con số 12.000 lao động khi sân bay Long Thành chính thức đi vào hoạt động (giai đoạn 1 dự kiến hoạt động vào tháng 9.2026), công tác chuẩn bị nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Nhân lực phải có chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia.

Dân số của tỉnh Đồng Nai khoảng trên 3 triệu người (thống kê năm 2022); độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 1,7 triệu người; tốt nghiệp THPT hằng năm từ 30.000 - 35.000 người (năm 2023 có 33.263 thí sinh đăng ký dự thi). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ năm 2022 mới đạt 22,28%. Vì vậy, số lao động phổ thông để phục vụ sân bay Long Thành cần phải đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo thì mới đáp ứng được yêu cầu theo quy định của ngành hàng không. Trong khi đó, 20 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn chưa đủ điều kiện đào tạo các ngành hàng không theo quy định.

Người viết rất đồng cảm với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, rằng ngay từ bây giờ phải quan tâm liên kết trong đào tạo, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sân bay ngay tại địa phương; khuyến khích các trường đại học trên địa bàn liên kết với các trường đại học chuyên ngành về hàng không mở thêm khoa, chuyên ngành đào tạo để vừa nâng cao chất lượng cũng như số lượng đào tạo. Đối với nhân lực làm việc trong sân bay phải quan tâm đến yếu tố đào tạo ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa và có thái độ niềm nở, thân thiện. Điều quan trọng là cần tăng tính minh bạch về thông tin nhân lực, nhằm có kế hoạch tuyển sinh đào tạo phục vụ sân bay Long Thành khi nơi này đi vào hoạt động.

Có thể bạn quan tâm