Thời sự - Bình luận

Nhân lực y tế cơ sở đang vừa thiếu vừa yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh có mức độ ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều cử tri, cá nhân, tổ chức. Để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo luật, tôi xin tham gia một số ý kiến trọng tâm.

Bất hợp lý phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính

Điều 86 của dự thảo "cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” quy định cơ sở khám chữa bệnh được chia thành 3 cấp: cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Nội dung sửa đổi hoàn toàn phù hợp với các Nghị quyết của T.Ư về tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trong dự thảo luật quy định về nguyên tắc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đặc biệt quan tâm tới cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

Trong Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã xác định “vai trò y tế cơ sở là nền tảng”. Trong dự thảo luật cũng có nhắc đến cụm từ “y tế cơ sở” nhưng không có định nghĩa “y tế cơ sở”, chưa làm rõ được phạm vi của “y tế cơ sở” để qua đó xác định được mục tiêu, quy mô đầu tư, mối liên quan giữa y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

Đội ngũ y tế cơ sở vừa thiếu, vừa yếu

Việt Nam là đất nước có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở với quy mô hàng đầu thế giới (trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn; đây là mô hình mà kể cả các quốc gia phát triển trên thế giới cũng không có được). Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khoẻ người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.

Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TP.HCM lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí 1 trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên.

Trong những năm vừa qua, dù có nhiều giải pháp cho tuyến y tế cơ sở, cụ thể như: tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Tuy nhiên, các giải pháp này đều chưa phát huy hiệu quả.

Vì vậy, tôi cho rằng giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ, nhưng cần có mô hình cụ thể. Trong đó, cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế, đặc biệt phải xây dựng được sự kết nối giữa cấp khám chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, hài hoà về nguồn thu giữa các tuyến để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống. Hoạt động y học gia đình phải là mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý được sức khoẻ người dân kể cả người bị bệnh hay người khoẻ mạnh.

Cần có liên thông kết quả chẩn đoán

Đại dịch Covid-19 cũng đã chỉ ra sự hạn chế về kết nối giữa các cấp, các tuyến trong hệ thống y tế Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề này, hệ thống y tế phải có các trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm xét nghiệm, trung tâm hồi sức cấp cứu vùng được đầu tư các công nghệ hiện đại, có sự liên thông kết quả chẩn đoán, để đảm bảo tiết kiệm hiệu quả trong đầu tư nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung này trong điều 86 của dự thảo luật để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quốc gia.

Việc xây dựng hệ thống dữ liệu y tế quốc gia và mã định danh y tế cho người dân là vô cùng cần thiết để có thể theo dõi tình trạng sức khoẻ bệnh nhân ở bất kỳ cấp khám bệnh, chữa bệnh nào. Mã định danh y tế cần được thống nhất với cơ sở dữ liệu dân cư để quản lý sức khoẻ người dân ngay từ khi được sinh ra.

Khoảng trống về chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề

Tôi cho rằng, sự thay đổi về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình 3 cấp phải đạt được mục tiêu giải quyết hiệu quả quá tải ở tuyến trên; người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế sớm nhất và hình thành thói quen mới trong sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Một vấn đề nữa là trên thực tiễn có nhiều cơ sở y tế thực hiện việc khám bệnh chữa bệnh ngoài địa điểm đã được đăng ký trong giấy phép hoạt động như khám chữa bệnh nhân đạo, khám chữa bệnh từ xa, khám sức khoẻ, khám bệnh, chữa bệnh khi có thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường và một số tình huống khẩn cấp khác. Để đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, an toàn, sức khoẻ của người dân, tránh trường hợp lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi như: vừa khám bệnh nhân đạo vừa bán thuốc. Tôi đề nghị bổ sung nội dung quy định các điều kiện cụ thể của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề vào dự thảo luật.

TS Trần Thị Nhị Hà
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội


(Dẫn nguồn TNO)

 

Có thể bạn quan tâm