Thời sự - Bình luận

Nhận thức mới trong bảo tồn văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Năm 2009, tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự thay đổi đời sống kinh tế-xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, Giáo sư Hiroshi Hoshino có tham luận “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật trình diễn dân gian”.

Giáo sư Hiroshi Hoshino cho rằng: Việc bảo tồn di sản văn hóa đôi khi lại có những điểm đối nghịch. Nghĩa là, mặc dù việc bảo vệ di sản văn hóa, tất nhiên mang ý nghĩa phát huy các di sản văn hóa đó cho các thế hệ tương lai, nhưng đôi lúc việc bảo tồn có thể phá hủy truyền thống của di sản. Ví dụ như cách tận dụng lối trình diễn dân gian nhằm thu hút khách du lịch và sử dụng máy móc để phát triển nền công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương bị nhiều người chỉ trích từ phía những người coi trọng tính xác thực của di sản văn hóa. Làm thế nào để vượt qua tình thế tiến thoái lưỡng nan này để giữ cho di sản văn hóa tồn tại lâu dài là công việc khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Đội thi huyện Krông Pa biểu diễn cồng chiêng tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI. Ảnh: P.L

Đội thi huyện Krông Pa biểu diễn cồng chiêng tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI. Ảnh: P.L

Đề cập vấn đề này, Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã gợi mở một hướng đi: Đó là phải xem lại vấn đề cơ bản của sáng tạo và vận hành của nền văn hóa, nếu không thì cuộc tranh cãi sẽ không có hồi kết. Có thể đó là các vấn đề về bản chất sáng tạo của văn hóa, tính biến đổi và quá trình kết tinh, những sáng tạo đương thời và hệ thống tinh hoa của truyền thống… Về quy luật vận hành, cần xem xét các mối quan hệ về miền thời gian và miền không gian. Từ đó xem xét mối quan hệ xưa và nay, trong và ngoài, các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy, thừa kế và phát triển. Từ đó, chọn lựa hướng đi, biện pháp, thậm chí cả thủ pháp đi tới của nền văn hóa.

Như vậy, về mặt lý thuyết, di sản văn hóa các dân tộc không phải bất biến và trường tồn theo thời gian mà nó luôn biến đổi theo sự phát triển của xã hội và không gian vận hành đối với các thành tố văn hóa còn lưu giữ. Với quan niệm đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản đặc sắc và độc đáo cần được bảo tồn và phát huy. Trong các kỳ hội thảo chuyên đề về bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các địa phương trong cụm đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy di sản này.

Có thể thấy, nội tại của bản chất sự sáng tạo văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không mang chức năng giải trí, biểu diễn là cơ bản mà quan trọng là chức năng cộng cảm giữa đa cực thế giới thần linh và con người; người ta biến không gian hiện thực ấy thành siêu thực với tất cả động lực và niềm tin tạo ra giá trị tinh thần đầy tự hào của cộng đồng. Sự vận hành văn hóa đó được lặp đi lặp lại trong suốt đời người một cách tự nhiên và tự nguyện.

Những năm gần đây, khi ngành “công nghiệp không khói” ngày một phát triển, các địa phương đã có cái nhìn mới, đó là biến di sản văn hóa bản địa thành “tài nguyên” để phục vụ nền kinh tế. Với xu thế phát triển du lịch ở các địa phương hiện nay thì văn hóa truyền thống các tộc người là điểm tựa cho ngành du lịch phát triển; đồng thời, du lịch thịnh hành thì các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người sẽ được khôi phục, bảo tồn và phát huy một cách bền vững.

Ở Gia Lai, vài năm lại đây, ngành Văn hóa đã bền bỉ chọn một hướng đi mới trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số theo thủ pháp đúng hướng trong hoàn cảnh cụ thể. Có thể kể đến như chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”, “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển”. Sau thành công của Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai thì tại Hà Nội đã diễn ra buổi trình diễn nghệ thuật cồng chiêng Gia Lai mang tên “Ngẫu hứng đại ngàn”. Sự kiện do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức với 20 nghệ nhân tham gia trình diễn trên các đường phố Hà Nội với những âm thanh độc đáo và màn xoang đặc sắc thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Sự thận trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Gia Lai được giới chuyên môn đánh giá cao với thủ pháp có chọn lọc và được các nghệ nhân khắp buôn làng, chủ thể của văn hóa truyền thống nhiệt tình hợp tác một cách thành tâm, nhiệt tình và đầy sáng tạo đem lại sự hào hứng trải nghiệm cho du khách và người dân.

Có thể nói, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, văn hóa truyền thống các dân tộc ở Tây Nguyên được xem là “tài nguyên” vô giá cần có giải pháp để vừa bảo tồn, phát huy một cách thích hợp với hoàn cảnh xã hội và sự thay đổi của không gian văn hóa, vừa là động lực để ngành công nghiệp đặc trưng này của địa phương trở thành mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Có thể bạn quan tâm