Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Nhật Bản hoãn phóng vệ tinh "made in Vietnam" lần thứ 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã quyết định hoãn phóng tên lửa đẩy mang theo vệ tinh NanoDragon “Made in Vietnam” như dự kiến vào ngày mai, 7.11, vì lý do thời tiết.
Đây là thông tin được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết sáng nay, 6.11.

Tên lửa Epsilon 5 sẵn sàng đưa vệ tinh vào quỹ đạo ngày 7.10, nhưng sự kiện đã bị hoãn lại do thời tiết. Ảnh: Chụp qua màn hình
Tên lửa Epsilon 5 sẵn sàng đưa vệ tinh vào quỹ đạo ngày 7.10, nhưng sự kiện đã bị hoãn lại do thời tiết. Ảnh: Chụp qua màn hình
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc VNSC, dự kiến JAXA sẽ phóng tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào 7 giờ 48 phút đến 7 giờ 59 phút tại bãi phóng Uchinoura (Nhật Bản). Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã thông báo tiếp tục hoãn lịch phóng vì điều kiện thời tiết ngày mai không đáp ứng được. Lịch phóng sẽ được phía bạn thông báo sau.
Ông Tuấn cho hay, đây là lần thứ 3 JAXA gửi thông báo hoãn phóng vệ tinh. Trước đó, kế hoạch phóng dự kiến ban đầu vào ngày 1.10 đã bị hoãn lại trước khi phóng 16 giây do có sự cố kỹ thuật xảy ra ở thiết bị radar mặt đất có nhiệm vụ giám sát vị trí và tốc độ của Epsilon-5. Thiết bị này nằm gần bệ phóng của tên lửa.
Lịch phóng tiếp theo là vào ngày 7.11 cũng bị tạm dừng do thời tiết không thuận lợi khi có gió to trên tầng khí quyển.
Theo VNSC, Vệ tinh NanoDragon dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC. Đây là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ “made in Vietnam” của VNSC, nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030", được Thủ tướng phê duyệt.
NanoDragon được phát triển với mục đích làm chủ công nghệ phát triển hệ thống vệ tinh nhỏ của Việt Nam; thử nghiệm hệ thống, công nghệ chùm vệ tinh siêu nhỏ có thể thu tín hiệu, nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển; hoàn thiện hiệu chỉnh, chất lượng hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh. Dự kiến vệ tinh NanoDragon hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
Tham gia phóng cùng vệ tinh của Việt Nam trên tên lửa Epsilon số 5 có 9 vệ tinh, bao gồm 1 vệ tinh chính nặng khoảng 100 kg, 4 vệ tinh lớp micro và 4 vệ tinh lớp cubesat.
Theo Thu Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm