Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Nhật thực toàn phần và siêu trăng non kỳ thú cùng diễn ra cuối tuần này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhật thực ngày 4.12 sẽ là nhật thực cuối cùng của năm 2021, trùng với thời điểm siêu trăng non. 

Nhật thực năm 2019 quan sát từ đài quan sát La Silla ở Chile. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu
Nhật thực năm 2019 quan sát từ đài quan sát La Silla ở Chile. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu
Nhật thực toàn phần và siêu trăng non là 2 sự kiện thiên văn kỳ thú sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Trong khi nhật thực toàn phần xảy ra ngày 4.12 thì siêu trăng non sẽ hình thành từ ngày 3.12, India Today đưa tin. 

Nhật thực toàn phần quan sát ở Hopkinsville, Kentucky, Mỹ tháng 8.2017. Ảnh: NASA
Nhật thực toàn phần quan sát ở Hopkinsville, Kentucky, Mỹ tháng 8.2017. Ảnh: NASA
Nhật thực ngày 4.12 sẽ là nhật thực cuối cùng trong năm 2021 khi Mặt trăng di chuyển giữa Mặt trời và Trái đất, tạo bóng trên Trái đất, cản hoàn toàn hoặc một phần ánh sáng mặt trời ở một số khu vực.
5 giai đoạn của nhật thực toàn phần
Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng ở giữa Mặt trời và Trái đất, che phần tối nhất trong bóng của Mặt trăng, gọi là sự che khuất toàn phần, lên Trái đất.
Nhật thực có 5 giai đoạn khác nhau từ đầu đến cuối. Giai đoạn đầu tiên là bắt đầu nhật thực một phần, khi Mặt trăng trở nên có thể quan sát được ở vành Mặt trời. Giai đoạn thứ hai là nhật thực toàn phần khi Mặt trăng phủ toàn bộ vành Mặt trời.
Giai đoạn thứ ba của nhật thực là khi Mặt trăng che phủ hoàn toàn Mặt trời. Lúc này, chỉ có thể quan sát được quầng của Mặt trời và là thời điểm nhật thực cực đại. Ở giai đoạn này, bầu trời sẽ tối sầm. 
Giai đoạn tiếp theo đánh dấu việc bắt đầu kết thúc nhật thực khi Mặt trăng dần rời khỏi và Mặt trời xuất hiện trở lại. Nhật thực kết thúc khi Mặt trăng hoàn toàn tách khỏi Mặt trời.

Mô phỏng nhật thực ngày 4.12.2021 di chuyển. Nguồn: NASA
Mô phỏng nhật thực ngày 4.12.2021 di chuyển. Nguồn: NASA
Nam Cực sẽ là nơi duy nhất trên Trái đất quan sát được nhật thực toàn phần ngày 4.12. Nhật thực một phần có thể quan sát được ở các khu vực của Nam Australia, Nam Phi, Nam Mỹ, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và một số nơi ở Nam Cực.
Siêu trăng non ngày 3 và 4.12
Theo timeanddate.com, khi trăng tròn hoặc trăng non xảy ra vào thời điểm Mặt trăng gần Trái đất nhất, gọi là củng điểm quỹ đạo, khi đó là siêu trăng. 
Trăng non là khi Mặt trời và Mặt trăng thẳng hàng, với Mặt trời và Trái đất ở hai phía đối diện của Mặt trăng. Dù người yêu thiên văn có thể quan sát nhật thực toàn phần bằng thiết bị quan sát nhưng không thể quan sát được trăng non vì Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất thẳng hàng khiến phía Mặt trăng hướng về Trái đất ở trong bóng tối. 
Trong khi đó, trăng non cũng ở trên bầu trời ban ngày nhưng vì trăng mọc - lặn cùng thời điểm với Mặt trời nên có độ chói lóa lớn khiến chúng ta khó nhìn thấy bằng mắt thường.
Siêu trăng non ngày 4.12.2021 xảy ra khi Mặt trăng và Trái đất ở khoảng cách 356.804km và là siêu trăng non thứ 2 trong năm, sau siêu trăng non ngày 4.11 (khi đó Mặt trời và Mặt trăng cách nhau 359.856km).
Siêu trăng non ngày 4.12 là siêu trăng ở vị trí gần nhất của năm 2021, Earth Sky lưu ý. Trên thực tế, đây là lần duy nhất trong năm 2021 Mặt trăng tiếp cận Trái đất gần hơn 357.000km. 
Trăng non lúc 7h34, giờ UTC ngày 4.12 (tức 14h34, giờ Việt Nam) là khi Mặt trăng cách Trái đất 356.804km. Đến 10h01h, giờ UTC (tức 17h01, giờ Việt Nam), Mặt trăng ở điểm gần Trái đất nhất là 356.794km. 
Nguồn gốc thuật ngữ siêu trăng?
Thuật ngữ "siêu trăng" xuất hiện trên truyền thông trong những năm gần đây nhưng thực tế không phải một thuật ngữ thiên văn học chính thức. Thuật ngữ này thậm chí không tồn tại cho tới khi nhà chiêm tinh học Richard Nolle đặt ra năm 1979, Almanac.com lưu ý. 
Vào thời điểm đó, Nolle định nghĩa siêu trăng là trăng tròn hoặc trăng non phải nằm trong khoảng 90% của lần tiếp cận gần nhất của Mặt trăng với Trái đất trong quỹ đạo. Nói cách khác, bất kỳ trăng tròn hoặc trăng non nào cách hành tinh của chúng ta 361.766km (hoặc nhỏ hơn), được đo từ tâm của Mặt trăng và Trái đất, đều có thể được gọi là siêu trăng. 
Sự thật về siêu trăng? 
Về mặt kỹ thuật, siêu trăng tròn gần Trái đất hơn trăng tròn bình thường khiến Mặt trăng có vẻ lớn hơn khoảng 7%. Điều này có nghĩa là có chênh lệch đáng kể giữa trăng tròn ở vị trí gần Trái đất nhất và trăng tròn khi Mặt trăng ở xa Trái đất nhất, tới 14%
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng cần lưu ý, theo Almanac.com, là trừ khi có thể so sánh trăng tròn bình thường và siêu trăng cạnh nhau trên bầu trời, nếu không thì gần như không thể nhận thấy sự khác biệt 7% về kích thước của Mặt trăng.

Hình ảnh ghép 2 Mặt trăng trong dịp siêu trăng tháng ngày 13 và 14.11.2016. Bên trái là khi Mặt trăng gần đường chân trời hơn và bên phải là Mặt trăng ở rất cao trên bầu trời. Ảnh: NASA
Hình ảnh ghép 2 Mặt trăng trong dịp siêu trăng tháng ngày 13 và 14.11.2016. Bên trái là khi Mặt trăng gần đường chân trời hơn và bên phải là Mặt trăng ở rất cao trên bầu trời. Ảnh: NASA
Nhìn chung, rất khó để thực sự cảm nhận được bất kỳ sự khác biệt nào về kích thước của Mặt trăng từ tháng này sang tháng khác, hoặc đêm này sang đêm khác. Do đó, đừng trông đợi nhìn thấy một Mặt trăng khổng lồ. 
Với những người yêu thiên văn muốn thực sự nhìn thấy Mặt trăng khổng lồ, chỉ cần quan sát Mặt trăng khi mọc hoặc lặn. Bởi lẽ, Mặt trăng ở gần đường chân trời sẽ luôn rất to nhờ vào hiện tượng nổi tiếng là ảo giác Mặt trăng. 
THANH HÀ (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/nhat-thuc-toan-phan-va-sieu-trang-non-ky-thu-cung-dien-ra-cuoi-tuan-nay-980286.ldo

Có thể bạn quan tâm