Điểm đáng mừng là hàng loạt trường lấy điểm chuẩn Sư phạm Lịch sử cao nhất với trên 28 điểm. Điểm chuẩn cao nhất của nhóm ngành này thuộc về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) với 28,58 điểm.
Điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm đã ở mức cao (trên 27 điểm) trong vài năm qua, một phần là theo học ngành này thí sinh được miễn học phí, trợ cấp sinh hoạt 3,65 triệu đồng/tháng. Điều đó khiến chúng ta có thêm kỳ vọng vào chất lượng “bộ máy cái” của nền giáo dục.
Năm nay, điểm trúng tuyển của các trường, xét ở mặt bằng chung là khá tương đồng với kết quả năm 2022. Các trường ĐH tốp đầu đều có điểm chuẩn cao, nhất là các ngành “hot”. Trường ĐH Ngoại thương ghi nhận ngành cao nhất là Ngôn ngữ Trung, thí sinh phải đạt 9,5 điểm trung bình mỗi môn mới đậu; hầu hết ngành còn lại của trường lấy điểm chuẩn từ 27 trở lên.
Trong các trường đã công bố điểm chuẩn, mức cao nhất đang thuộc về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mức 29,42 điểm với ngành Khoa học máy tính (IT1). Do có công thức tính điểm riêng, 2 thủ khoa khối A toàn quốc năm nay (29,35 điểm) không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành này.
Kết quả này được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lý giải: công thức tính điểm riêng (môn Toán nhân đôi), chỉ tiêu quá ít, chủ yếu dành để xét tuyển nhân tài, nên chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi rất ít ỏi, chỉ thực sự dành cho thí sinh xuất sắc, dẫn đến điểm chuẩn cao.
Cùng với ngành Khoa học máy tính tiếp tục giữ kỷ lục điểm trúng tuyển cao nhất Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và cao nhất toàn quốc, các ngành Y đa khoa, Sư phạm Lịch sử có mức điểm chuẩn cao hàng đầu, thì điểm chuẩn của ngành Quan hệ công chúng ở các trường đều rất cao, thí sinh phải đạt từ 9,6 điểm mỗi môn trở lên mới đậu. Tương tự là các ngành Truyền thông - Marketing, Thương mại điện tử, Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng…
Trong bức tranh chung, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ là cá biệt. Đó là chưa kể, đây là năm đầu Bộ GD-ĐT thực hiện quy định tính điểm ưu tiên mới (thí sinh có điểm thi càng cao, điểm ưu tiên càng giảm), do đó, sự cạnh tranh của nhóm thí sinh thực sự xuất sắc càng trở nên gay gắt hơn.
Ngay tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn các ngành kỹ thuật mang tính truyền thống chỉ ở mức khiêm tốn, thậm chí có ngành 21 điểm. Đây cũng là điều mà nhiều nhà giáo dục đã trăn trở, đó là thí sinh chạy theo ngành “hot”, thờ ơ với các ngành khoa học cơ bản, về lâu dài sẽ gây hệ lụy không tốt cho nền giáo dục, nền khoa học cũng như phát triển nhân lực quốc gia, cần những điều chỉnh chính sách từ phía Nhà nước.
Còn nhiều bài toán phải giải sau mỗi mùa tuyển sinh. Với ngành cao nhất, thí sinh cũng phải trung bình đạt trên 9,5 điểm mỗi môn mới đậu; ở phía ngược lại, điểm chuẩn thấp nhất đến thời điểm này là 14, tức chưa tới 5 điểm mỗi môn, thí sinh đã đậu đại học, chủ yếu là ở các trường tư thục địa phương. Điều đó cho thấy sự “vênh” quá lớn giữa các trường ĐH.
Bên cạnh đó, việc điểm chuẩn quá cao ở nhiều ngành do chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT quá ít cũng cho thấy câu chuyện chứng chỉ IELTS được dùng để xét tuyển hiện nay có tràn lan hay không cũng cần cơ quan quản lý nhà nước tính tới, bởi ở phương diện cá nhân, thí sinh nào cũng phải suy tính điều có lợi nhất cho mình. Hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng đổ xô luyện thi IELTS, đánh giá năng lực… để chắc ăn suất vào ĐH.