Nhiều chính sách bảo vệ quyền con người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên. Các chính sách dành cho đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội được triển khai có hiệu quả. Theo đó, quyền con người luôn được đảm bảo và phát huy tốt.

 Giờ học ở Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Giờ học ở Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung các giải pháp nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ tối đa quyền con người, đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng tôn giáo. Các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa đã đem lại diện mạo mới ở nông thôn.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số  44CT/TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác nhân quyền trong tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành các quyết định và kế hoạch cụ thể để thực hiện chỉ thị này. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhân quyền của tỉnh gồm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Văn phòng UBND tỉnh là Phó Trưởng ban và 19 thành viên.

Chỉ trong 2 năm (2011-2013), toàn tỉnh có 1.080 hộ gia đình người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay số tiền là hơn 5,8 tỷ đồng. Chương trình 135 giai đoạn II đã cấp 1.900 con bò cho nhân dân, mở 58 lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng cho trên 3.000 hội viên, hơn 10.600 căn nhà được hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tỉnh chú trọng, đến nay đã có hơn 16.000 ha đất được cấp cho người dân. Ngoài ra, thực hiện các Chương trình 132, 134 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ di dân, tái định canh, định cư, tỉnh đã giải quyết gần 200 ha đất ở và đất sản xuất. Các chính sách về y tế, văn hóa, giáo dục cũng đã đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thời gian qua, toàn tỉnh có 30 xã thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn hỗ trợ về bình đẳng giới. Việc nâng cao đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội cũng luôn được chú trọng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 749 nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo luôn được đảm bảo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 chi hội và 165 điểm, nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xét cấp đất cho 30 chi hội, công nhận chức danh truyền đạo cho 43 người; tổ chức 29 lớp tập huấn cho hơn 3.422 người làm công tác tôn giáo ở các cấp; 21 lớp phổ biến pháp luật cho hơn 2.900 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ trên địa bàn tỉnh; mở 22 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho 114 lượt chức sắc tôn giáo. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cho phép mở 2 lớp bổ túc thần học với 58 học viên.

Mặt khác, kết quả thực hiện quyền đối với nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người nhiễm chất độc da cam) cũng đã đạt được những kết quả cao. Từ năm 2010 đến nay, có 45.890 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ dưới nhiều hình thức với tổng số tiền và hiện vật hơn 12 tỷ đồng; cấp hơn 1.110 suất học bổng cho học sinh nghèo với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, trợ giúp phẫu thuật, phục hồi chức năng cho 666 trẻ em với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, toàn tỉnh đã mở 30 lớp tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho hơn 1.735 người. Đến nay, 100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng, chính quyền đạt 27%...

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo thì công tác đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng dân chủ, nhân quyền và tôn giáo cũng được triển khai có hiệu quả. Các lực lượng chức năng đã đấu tranh, bóc gỡ các tổ chức phản động như FULRO, tà đạo “Hà Mòn”…

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm