Nhiều DN ngoài quốc doanh: Thờ ơ với chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện toàn tỉnh Gia Lai mới có 1.935/3.000 đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, ngoài quốc doanh sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Còn  42% đơn vị, doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên bắt buộc tham gia BHTN chiếm đa số nhưng cố tình “lách” luật.

Đối tượng tham gia BHTN quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội là công nhân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc sau đây mới phải tham gia BHTN. Đó là lao động được đơn vị sử dụng lao động hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng không xác định thời hạn; hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng là hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP, ngày 10-10-2003 của Chính phủ. Còn quy định người sử dụng lao động phải tham gia BHTN khi sử dụng từ 10 lao động trở lên.

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Chính vì quy định của Luật như vậy, nên nhiều doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã lách luật bằng hợp đồng lao động dưới 12 tháng. Ông Võ Văn Tình- cán bộ phụ trách Văn phòng Bảo hiểm Thất nghiệp cụm phía Đông Gia Lai- Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh, cho biết: Đầu năm 2010, khi bắt đầu triển khai chế độ chi trả BHTN cho người lao động, Trung tâm mở văn phòng đặt tại Trường Trung cấp Nghề An Khê. Từ đó, cán bộ BHTN thường xuyên trực tiếp đến các doanh nghiệp trên địa bàn để tuyên truyền chính sách BHTN, các doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện nhưng lần sau đến kiểm tra, chúng tôi thấy đâu vẫn vào đó.

Đáng kể như: Công ty TNHH Hiệp Lợi (huyện Kbang), sử dụng 300 lao động nhưng chỉ đóng BHTN cho 21 người; Xí nghiệp tư nhân Thành Phú (huyện Kbang) sử dụng 120 lao động đóng cho 12 lao động; Xí nghiệp Chế biến Lâm sản Ka Nak sử dụng 50 lao động nhưng chỉ đóng cho 15 lao động; Nhà máy Sản xuất Tinh bột mì Mang Yang sử dụng 90 lao động nhưng chỉ đóng BHTN cho 45 người; Doanh nghiệp tư nhân Hùng Cường (huyện Mang Yang) sử dụng 90 lao động, đóng BHTN cho 7 lao động; Công ty cổ phần Lâm nghiệp và Xây dựng An Khê, sử dụng đến 680 lao động nhưng cũng chỉ đóng BHTN cho hơn 100 lao động. Và qua trao đổi với một số lao động đang làm việc ở Công ty cổ phần Lâm nghiệp và Xây dựng An Khê, một công nhân (xin được giấu tên) nói rằng, chị làm công nhân ở đây được 6 năm, nhưng Công ty chỉ trả 83.000 đồng/ngày công, nếu bị ốm đau nghỉ ngày nào là không có tiền công ngày đó. Các chế độ khác Công ty vẫn chưa đóng cho công nhân. Nhiều công nhân ở đây mong muốn là Công ty tham gia BHXH, BHTN để quyền lợi của họ được bảo đảm, yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Từ thực trạng nêu trên, ông Đoàn Ngô- Trưởng phòng Chế độ Chính sách-BHXH tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách này, làm cách nào đó chính sách “thấm” vào đời sống người dân, doanh nghiệp, làm thay đổi ý thức của người lao động và chủ sử dụng lao động. Bởi chính sách này do hai đơn vị  triển khai nên phải có sự phối hợp chặt chẽ thì mới thực hiện tốt được.

Ông Nguyễn Xuân Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh, đề xuất: Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn thờ ơ với chính sách BHTN, nên chăng thời gian tới hai ngành BHXH và Lao động- Thương binh và Xã hội cần có các đợt thanh tra để tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng và có những kiến nghị với tỉnh nhằm tìm ra biện pháp để các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện các quy định của pháp luật.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm