Nhiều doanh nghiệp xem nhẹ bảo hộ lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trang bị, sử dụng các phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động đầy đủ là cơ sở quan trọng góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng… vẫn xem nhẹ việc này.

Công nhân Công ty cổ phần Gạch ngói Tuynen Bát Tràng được quan tâm công tác bảo hộ lao động. Ảnh: Đ.Y
Trang- thiết bị phương tiện bảo hộ cá nhân, huấn luyện an toàn cho người lao động chúng tôi đều khoán cả vào lương”- ông Nguyễn Văn Cương- Phó Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Công Thành (TP. Pleiku) kiêm Tổ trưởng tổ an toàn- vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho biết. Công ty Công Thành (TP. Pleiku) thành lập năm 2000, hiện có 267 cán bộ, công nhân viên-lao động, trong đó lao động thời vụ là 252 người, còn lại là lao động gián tiếp. Lương bình quân của cán bộ gián tiếp từ 3,2 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng/người/tháng; còn lao động thời vụ hưởng theo ngày công. Vì thế, mọi chế độ, quyền lợi của người lao động ở đây đều chưa được doanh nghiệp thực hiện. Ông Cương cho biết: “Công ty chưa có tổ chức Công đoàn, mới đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 7/15 người là lao động gián tiếp”, ở công trường đã trang bị tủ thuốc cá nhân và các phương tiện sơ cấp cứu ban đầu”. Tuy nhiên, những lao động làm việc, cũng như sử dụng các loại máy móc theo đúng quy trình, quy phạm của các thiết bị… nên chỉ vận hành… “mò”. Đây là thực trạng chung của không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Việt- chuyên viên Phòng Lao động- Việc làm (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), cho biết: “Trong khi nhiều doanh nghiệp quốc doanh sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện, xi măng... thực hiện tốt việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động theo đặc trưng ngành nghề thì một số đơn vị thuộc lĩnh vực xây dựng lại thiếu quan tâm đến vấn đề này, nhất là những doanh nghiệp, đơn vị có lao động thời vụ.

Nếu lãnh đạo doanh nghiệp thực sự coi công tác bảo hộ lao động là việc làm quan trọng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thì chắc chắn công tác này phải được thực hiện tốt. Người lao động không chỉ tránh được các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động mà còn phòng ngừa, đảm bảo vệ sinh lao động cho bản thân”.

Ban Giám đốc Công ty cổ phần Gạch ngói Tuynen Bát Tràng Gia Lai (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) là một trong những đơn vị luôn đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, trong đó có việc đảm bảo trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân. Nhờ vậy, lao động ở đây rất yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp. Ông Mai Văn Hợp- Giám đốc điều hành Công ty cho biết: “Hiện tại Công ty chúng tôi có trên 80 lao động. Với đặc thù của ngành khai thác gạch ngói, làm việc trong môi trường bụi và ồn nên chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc trang bị thiết bị bảo hộ lao động, tập huấn công tác an toàn cho công nhân. Năm 2010, chi phí cho thiết bị an toàn bảo hộ lao động cá nhân tại Công ty trên 300 triệu đồng; còn các thiết bị an toàn, vệ sinh môi trường, bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm.

Việc thực hiện tốt công tác quản lý điều hành và thực hiện đầy đủ trang- thiết bị bảo hộ cho người lao động đối với Công ty được xem như một giải pháp quan trọng đẩy lùi và giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động của doanh nghiệp. Và để đảm bảo ATVSLĐ thì điều cần thiết trước tiên là sự thay đổi tư duy của phía chủ sử dụng lao động.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm