Nhiều khó khăn trong quản lý và cấp giấy phép xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bắt đầu từ ngày 20-10-2012, Nghị định 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng thì việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do một số quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo nghị định nói trên, việc cấp giấy phép xây dựng mới đòi hỏi thiết kế xây dựng của nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp với quy hoạch chi tiết (1/500) tại khu vực đó thay vì phù hợp với quy hoạch chung (1/2.000) như trước đây. Về điều này, theo ông Đỗ Tiến Đông-Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai thì việc lập quy hoạch chi tiết rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Tại các thành phố lớn, việc quy hoạch chi tiết hầu như là chưa có hoặc có cũng chỉ ở một vài khu đô thị mới, cả Gia Lai cũng vậy. Điều này gây khó cho đơn vị cấp phép vì không có cơ sở để cấp.

 

Nhà có giấy phép xây dựng mới được cấp quyền sở hữu nhà. Ảnh: L.L
Nhà có giấy phép xây dựng mới được cấp quyền sở hữu nhà. Ảnh: L.L

Mặc dù nghị định 64/2012 cũng cho phép các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết thay thế bằng “Quy chế quản lý kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Thế nhưng, tại tỉnh ta số khu vực có cấu trúc xây dựng theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị vẫn rất ít, chỉ được vài khu đô thị mới như khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng, khu đô thị Cầu Sắt… Ngoài các khu vực này thì cơ sở để cấp giấy phép xây dựng vẫn là vấn đề chưa có lời giải.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 64/2012, hồ sơ thiết kế xây dựng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện, thiết kế phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn nhỏ hơn 250 m2, dưới 3 tầng và không nằm trong khu bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa thì chủ đầu tư được tự tổ chức thiết kế xây dựng và tự chịu trách nhiệm về an toàn của công trình và các công trình lân cận.

Tuy vậy, theo một số cơ quan chuyên môn, yêu cầu trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng phải có thêm các bản vẽ kết cấu chịu lực chính nhằm quản lý chất lượng công trình gây tốn kém cho chủ đầu tư trong khi chi phí cho loại bản vẽ này gấp 10 lần bản vẽ để cấp phép xây dựng bình thường như trước đây. Hơn nữa, điều này dễ nảy sinh tiêu cực nếu chủ đầu tư mượn hoặc mua lại bản thiết kế của công trình khác chỉ để cho phù hợp với yêu cầu hồ sơ…

Đối với khu vực nông thôn, việc triển khai nghị định mới về cấp phép xây dựng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa nơi không nằm trong quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch nông thôn mới). Theo một số cán bộ địa chính xã, tình trạng xây dựng không phép ở nông thôn diễn ra khá phổ biến, nhất là những hộ gia đình cố tình xây dựng trên đất nông nghiệp. Nhưng nếu phát hiện sai phạm, lực lượng chức năng cũng rất khó xử lý vì nhiều lý do “tế nhị” như thân quen, họ hàng, hay bản thân người vi phạm thiếu hiểu biết về pháp luật, khó khăn về kinh tế…

Vì vậy, trong khi chờ thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng về triển khai Nghị định 64/2012 thì việc quán triệt nghị định đến các cấp chính quyền cơ sở, tổ chức tuyên truyền đến từng hộ gia đình, nhất là những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là điều cần thiết.

Ông Tài Văn Trung- Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai cho biết: Để triển khai Nghị định mới về cấp phép xây dựng, phòng đã tiến hành tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ các xã. Hiện nay, người dân cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xin phép xây dựng cũng như lợi ích của việc cấp giấy quyền sở hữu nhà để có thể thực hiện các thủ tục hành chính khác như thế chấp vay ngân hàng, sang nhượng, mua bán nhà…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm