Thời sự - Sự kiện

Nhiều kiến nghị cấp thiết đến đại biểu Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 9-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã tiến hành tiếp xúc cử tri các huyện Đak Pơ, Mang Yang và Ia Pa trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã kiến nghị đến đại biểu Quốc hội tỉnh nhiều vấn đề cấp thiết, tác động trực tiếp đến đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tiếp xúc với cử tri các huyện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm có các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh.

Cùng tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện Đak Pơ, Mang Yang, Ia Pa.

Đề đạt nhiều vấn đề cấp thiết

Tại những nơi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo đến cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 20-5 và bế mạc ngày 28-6 tại Hà Nội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt (đợt 1 từ ngày 20-5 đến 8-6, đợt 2 từ ngày 17 đến 28-6). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với cử tri huyện Đak Pơ bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với cử tri huyện Đak Pơ bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu ý kiến tại các buổi tiếp xúc, đa số cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả mà đất nước cũng như địa phương đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp thứ 7 khi Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, đánh giá và quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước, được cử tri, Nhân dân quan tâm như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…

Bên cạnh đó, cử tri cũng đề đạt tâm tư, nguyện vọng đến đại biểu Quốc hội tỉnh liên quan đến cơ chế, chính sách; đầu tư hạ tầng cơ sở và một số vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy

Cử tri Nguyễn Xuân Hậu (xã Phú An, huyện Đak Pơ) cho hay: Năm 2021, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục. Ngoài những đối tượng này, các hộ khác đến nay vẫn chưa được hỗ trợ. Do đó, cử tri mong muốn thông qua đại biểu Quốc hội, kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hộ có bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục năm 2021 để người dân khôi phục, phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Còn cử tri Phạm Thị Tuyết Sương-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) thì đề xuất: “Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 15-4-2022 của HĐND tỉnh quy định mức chi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh chỉ quy định cuộc thi, hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng; triển lãm trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh mà chưa có quy định cụ thể mức chi cho liên hoan cồng chiêng cấp xã. Trong khi đó, đây là hoạt động cần thiết để bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương nên rất mong tỉnh hướng dẫn cụ thể”.

Các cử tri làng Bông Pim và làng Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) cùng kiến nghị vấn đề thiếu đất sản xuất nhưng không còn đất trống để khai hoang, dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm đất của Trại giam Gia Trung và Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang để canh tác. “Đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm khảo sát, giải quyết nhu cầu về đất sản xuất, tránh xảy ra mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa bà con và các đơn vị”-cử tri Diu (làng Bông Pim) nói.

Cử tri Diu (làng Bông Pim, xã Đak Tơ Ja, huyện Mang Yang) kiến nghị về vấn đề thiếu đất sản xuất. Ảnh: Đức Thụy

Cử tri Diu (làng Bông Pim, xã Đak Tơ Ja, huyện Mang Yang) kiến nghị về vấn đề thiếu đất sản xuất. Ảnh: Đức Thụy

Vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Ia Tul và tình trạng sạt lở dọc bờ sông cũng nhận được sự quan tâm của cử tri huyện Ia Pa. Cử tri Ksor Krôk (thôn Bôn Tul, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) nêu ý kiến: “Hiện nay, chúng tôi đang rất quan tâm đến 2 vấn đề này. Mỗi khi mùa mưa về, khu vực đất trồng lúa, hoa màu của người dân thường xảy ra sạt lở đất và bị nước cuốn trôi. Chúng tôi mong các cấp, các ngành có giải pháp hỗ trợ chống sạt lở để giúp bà con yên tâm sản xuất”.

Cử tri Ksor Krôk (thôn Bôn Tul, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) nêu trăn trở trước vấn đề ô nhiễm trên sông Ia Tul và tình trạng sạt lở dọc bờ sông. Ảnh: Trần Dung

Cử tri Ksor Krôk (thôn Bôn Tul, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) nêu trăn trở trước vấn đề ô nhiễm trên sông Ia Tul và tình trạng sạt lở dọc bờ sông. Ảnh: Trần Dung

Ngoài ra, những bất cập trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai; hỗ trợ đầu tư mở rộng đường giao thông, hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, hệ thống thoát nước nội làng; liên kết tiêu thụ nông sản; giải quyết việc làm cho con em người dân tộc thiểu số sau khi học xong đại học và quân nhân sau khi xuất ngũ; chế độ chính sách cho người cao tuổi, cho huấn luyện viên, vận động viên cấp xã; chế độ cho đội ngũ làm việc tại các thôn, làng; chính sách bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số; thiếu vắc xin tiêm phòng cho trẻ em… cũng được cử tri gửi gắm, kiến nghị.

Trả lời thỏa đáng các nội dung thuộc thẩm quyền

Sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, huyện và các sở, ngành đã trao đổi nhiều thông tin liên quan đến những vấn đề cử tri quan tâm; đồng thời, làm rõ những kiến nghị, thắc mắc của cử tri thuộc thẩm quyền quản lý.

Liên quan đến ý kiến của cử tri huyện Đak Pơ về Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt cho hay: “Theo cách hiểu thông thường, liên hoan cồng chiêng cũng sẽ nằm trong nội dung liên hoan văn nghệ quần chúng. Tuy nhiên, HĐND tỉnh ghi nhận ý kiến này của cử tri và sẽ sớm trao đổi với UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch có hướng dẫn thêm về đối tượng, phạm vi áp dụng đối với nghị quyết này để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh”.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Đức Thụy

Trả lời kiến nghị của cử tri xã Ia Broắi, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Văn Trường thông tin: Trên địa bàn huyện hiện nay có rất nhiều điểm sạt lở tại vị trí bờ sông, suối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông, thủy lợi và khu vực sản xuất của người dân.

Thời gian qua, cùng với việc UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân. Huyện cũng đang tiếp tục khảo sát để lần lượt đưa vào kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo đối với các bờ kè chống sạt lở này.

Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Văn Trường trả lời kiến nghị cử tri. Ảnh: Trần Dung

Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Văn Trường trả lời kiến nghị cử tri. Ảnh: Trần Dung

Khẳng định tính cấp thiết của việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng ghi nhận ý kiến của cử tri xã Đak Jơ Ta; đồng thời, yêu cầu UBND xã tiếp tục rà soát để sớm giải quyết cho người dân ổn định cuộc sống và đề nghị hệ thống chính trị địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cũng kiến nghị đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Trung ương sớm có chính sách, chương trình hoặc dự án ưu tiên cho người dân vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng để bà con sống gần rừng có thể làm giàu chính đáng từ tài nguyên này mà không xâm hại đến di sản.

Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Ảnh: Đức Thụy

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri và giải trình của lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cũng đề nghị các địa phương theo dõi và chỉ đạo các đơn vị liên quan quan tâm giải quyết linh hoạt, kịp thời và đúng quy định đối với những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri trong lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng 20 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Trần Dung

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng 20 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Trần Dung

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tặng 60 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại 3 huyện Đak Pơ, Mang Yang và Ia Pa (mỗi huyện 20 suất).

Kết luận hội nghị, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, đầy tâm huyết, có chất lượng cùng niềm tin của cử tri vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn khẳng định, những tâm tư, nguyện vọng cử tri gửi gắm đến đại biểu Quốc hội và cấp ủy, chính quyền các cấp là hoàn toàn chính đáng. Riêng kiến nghị về đầu tư hạ tầng cơ sở, trong điều kiện còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp thì việc đầu tư cần theo thứ tự ưu tiên. Do đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn cử tri chia sẻ với tỉnh và đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, giải quyết kịp thời, thỏa đáng cho cử tri.

Trong đó, các huyện xem xét sớm đưa vào kế hoạch đầu tư công đối với các công trình thiết yếu; đồng thời, cân đối phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện và đề xuất với tỉnh đối với những công trình vượt ngân sách. Việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm nhưng không bỏ qua yếu tố chăm lo cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những nơi có công với cách mạng.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng ghi nhận, tiếp thu đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới; đồng thời, đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết.

Có thể bạn quan tâm