Nhiều người dân Tây Nguyên lơ là tiêm phòng cho vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai cho thấy: Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ tử vong vì bệnh dại cao nhất khu vực Tây Nguyên.
Tỉnh hiện có khoảng gần 200.000 chó nuôi tại gia đình. Ngành thú y đã phối hợp với nhiều cơ quan để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, cùng với đó là tăng cường vận động người dân thay đổi nhận thức. Ngành NNPTNT cũng đang triển khai tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, cố gắng trong năm 2020 này, toàn bộ các vật nuôi đều được tiêm phòng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống.
Tại Đăk Lăk, Kon Tum, việc thực hiện phòng dịch bệnh từ vật nuôi vẫn bị nhiều người dân lơ là. Nhiều hộ dân ở xã Hòa An, huyện Krông Pắc (Đăk Lăk) vô tư cho rằng: Vật nuôi thuần dưỡng trong nhà nên ít khi bị bệnh dại, vậy nên có nhà tiêm, nhà không. Đầu năm 2020, ông Nguyễn Miến (52 tuổi, ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắc) sau khi bị chó nuôi trong khu dân cư cắn nhiều ngày mà vẫn không đi chích ngừa nên đã phát bệnh ngày 1/1 và ngày 2/1 thì tử vong.

Cán bộ thú y thực hiện tiêm phòng vaccine dại cho chó trên địa bàn xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Ảnh: Minh Thuận
Theo người nhà của ông Miến, trước khi phát bệnh, ông có triệu chứng mệt mỏi, đau khắp người, nuốt nghẹn, sặc, sốt cao, đau đầu. Sau khi được chuyển đến bệnh viện thì kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân đã dương tính với virus bệnh dại. Bệnh đã ở giai đoạn nặng, không thể cứu chữa.
Ông Lê Thông (ở xã Hòa An) cho hay: Sau cái chết của ông Miến, việc tuyên truyền về phòng chống bệnh dại được thực hiện tích cực hơn. Đến nay người dân mới thực sự thấy cần phải tiêm phòng tất cả vật nuôi.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk ghi nhận có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại tại các huyện: Krông Búk (2 trường hợp); Krông Pắc; Ea H'Leo và M'Đrăk.
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đánh giá: Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở các tỉnh Tây Nguyên đạt rất thấp. Ngành thú ý có tăng cường vận động, nhưng số đông người dân tộc thiểu số đến lịch hẹn lại không đưa vật nuôi đến tiêm. Thậm chí cán bộ tiêm phòng đến tận nhà nhiều lần mới hợp tác.
Theo các chuyên gia y tế: Sau khi xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, virus dại sẽ theo dây thần kinh lên não rất nhanh. Từ đó gây tổn thương thần kinh trung ương. Thông thường virus dại xâm nhập vào cơ thể từ các vết cắn ở mặt nhanh hơn với các vị trí khác như chân, tay.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo khi bị vật nuôi cắn cần đi tiêm phòng ngay. Nếu có các triệu chứng đau hoặc ngứa ở vết cắn; sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2 - 4 ngày; sợ nước, ở giai đoạn sau chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng… thì đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, điều trị.
Theo L.A (Dân Việt)
https://danviet.vn/nhieu-nguoi-dan-tay-nguyen-lo-la-tiem-phong-cho-vat-nuoi-20201105113200521.htm

Có thể bạn quan tâm