Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nhiều vấn đề "nóng" được cử tri quan tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12-7, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn trao đổi, nhìn nhận và đánh giá nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt là đề cập đến những vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm. Bên lề Kỳ họp, P.V Báo Gia Lai đã gặp và trao đổi với lãnh đạo các sở ngành, địa phương xung quanh một số vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm. 
Ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đ.T

Ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2018 phải đạt 8,45%”.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 chỉ mới đạt 7,39%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do năm 2016 tỉnh ta gặp phải tình trạng hạn hán nặng nên giá trị sản xuất nông nghiệp đạt thấp; giá trị công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện cũng không đạt. Ngược lại đầu năm 2017, điều kiện thuận lợi nên các giá trị này đạt cao và có sự tăng trưởng đột biến.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018, chúng ta không có được sự tăng trưởng đột biến này, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 7,39% nhưng đây là sự nỗ lực của toàn tỉnh, sự chỉ đạo gắt gao của Tỉnh ủy, HĐND cũng như sự ra tay quyết liệt của UBND với nhiều giải pháp trên các lĩnh vực. Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất. Đặc biệt là các dự án kêu gọi đầu tư trong thời gian qua đã có nhiều dự án chăn nuôi theo hướng công nghiệp đi vào hoạt động tạo ra giá trị lớn. Về công nghiệp, hàng loạt các nhà máy sau khi kêu gọi đầu tư đã triển khai thực hiện tạo ra giá trị xây dựng cao, gần 10.000 tỷ đồng; các lĩnh vực khác cũng như hoạt động dịch vụ đạt kết quả tốt… đã tạo ra nguồn lực ổn định cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Để đạt chỉ tiêu đề ra của năm 2018, 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh phải nỗ lực để tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt 8,45%, cộng lại cả năm sẽ đạt được chỉ tiêu là 8% trở lên. Với sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân cũng các nguồn lực như đã phân tích trên, tôi tin tưởng rằng cuối năm chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. 
Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.N

Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai: “Xây dựng hành lang pháp lý để làm căn cứ xử lý số đối tượng cho vay nặng lãi”. 

Bên cạnh những hệ thống tín dụng được pháp luật công nhận thì hiện nay hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là hoạt động cho vay nặng lãi kéo theo việc siết tài sản, cưỡng đoạt tài sản, liên quan đến bắt người trái pháp luật, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, truy sát lẫn nhau. Hệ lụy từ việc không đòi được nợ dễ dẫn đến phát sinh tội phạm hình sự.
Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tình trạng cho vay nặng lãi nhưng chưa đến mức xử lý hình sự cũng sẽ kéo theo nguy cơ bần cùng hóa, khiến họ ngày càng khó khăn hơn, nghèo hơn khi trót vướng vào “tín dụng đen”. Nguyên nhân là do họ không được tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, trong khi việc vay bên ngoài lại rất dễ dàng. Chỉ cần thế chấp bằng nương rẫy, bằng tín chấp là họ vay được ngay tài sản. Tuy nhiên, khi không trả được nợ sẽ dẫn đến việc nợ chồng nợ, rồi thế chấp đất đai, vườn rẫy, nợ nần kéo dài khiến họ nghèo hóa đi. Đơn cử, năm 2016 trên địa bàn tình đã xảy ra 16 vụ liên quan đến tranh chấp, nợ nần mà các ngành phải vào cuộc xử lý.
Giải pháp trước mắt là tiếp tục vận động, tuyên truyền và tìm cách hướng dẫn giúp bà con người dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng dành cho họ. Xử lý nghiêm số đối tượng cho vay lãi nặng mà đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý ngay để răn đe. Đề nghị các ngành, các cấp của Trung ương xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để làm căn cứ xử lý số đối tượng cho vay trái pháp luật, kinh doanh trái phép đồng tiền. Phải có hành lang pháp lý răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để không xảy ra những hậu quả lớn. Đây là những biện pháp căn cơ cần phải tính toán, đặc biệt là phải đặt nặng vấn đề tuyên truyền để bà con tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, lúc đó “tín dụng đen” mới không còn đất sống.
Ông Trần Cao Nguyên-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kông Chro. Ảnh: Đ.T

Ông Trần Cao Nguyên-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kông Chro: Tăng cường lực lượng kiểm tra, quản lý các loại phương tiện xe công nông độ chế:

Đối với các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông chở người lưu thông trên quốc lộ, chúng tôi khẳng định là các văn vản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các kế hoạch của Công an huyện là không thiếu. Đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chỉ thị về đảm bảo trật tự trên địa bàn, trong đó có vấn đề an toàn giao thông. Từ UBND huyện cho đến Công an huyện đã cụ thể hóa thành chương trình kế hoạch hành động, đặc biệt trong các buổi giao ban hàng tháng chúng tôi đều luôn nhắc nhở đến vấn đề an toàn giao thông.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 200 chiếc xe công nông độ chế, Công an huyện đã chủ động mời các chủ phương tiện này lên ký cam kết không chở người và lưu thông trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp 2 vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe công nông chở người khiến cho nhiều người chết.
Nhân vụ tai nạn nghiêm trọng này, chúng tôi đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa đến tận các thôn, làng, tổ dân phố và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường lực lượng kiểm tra, quản lý các loại phương tiện này, đồng thời tiếp tục tiến hành ký cam kết với các chủ phương tiện nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn khi tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Về phía cấp ủy, chúng tôi sẽ có văn bản ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương không để xảy ra tai nạn giao thông thương tự.  
Minh Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm