Thời sự - Bình luận

Nhìn rõ để tháo gỡ nút thắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Doanh nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa - một trong những yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp văn hóa còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

1-5962.jpg
Một cảnh trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - tác phẩm đầu tiên được Nhà nước (đặt hàng) và tư nhân hợp tác làm phim, đã tạo tiếng vang.

Việc xác định rõ những rào cản, nút thắt, những bất cập trong chủ trương, chính sách và thực tế triển khai từ đây đặt ra yêu cầu về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, cũng như các giải pháp phù hợp thực tiễn sẽ nhanh chóng tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp văn hóa phát triển, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.

Ngày 8/9/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó đến nay, công nghiệp văn hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào GDP của cả nước.

Năm 2022, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, tương đương khoảng 70.321 cơ sở. Trong đó khu vực tư nhân đang là một lực đẩy góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển nhanh hơn, là bệ đỡ cho những sản phẩm văn hóa được thăng hoa, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên hiện nay vai trò của doanh nghiệp văn hóa chưa được nhìn nhận đúng với sự đóng góp của mình trong khi vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức. Ðầu tiên là những khó khăn về tài chính. Nhiều doanh nghiệp sáng tạo gặp trở ngại trong việc huy động vốn do các nguồn tài trợ và đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật thường không ổn định, khó tiếp cận. Có thể thấy rõ thực trạng này trong lĩnh vực điện ảnh.

Các nhà sản xuất điện ảnh Việt Nam luôn trong tình trạng “đói vốn”, không đủ tài chính để sản xuất phim mỗi năm cho nên chỉ có cách “lấy ngắn nuôi dài” là làm chương trình truyền hình, tổ chức sự kiện hoặc vài ba công ty chung tay cùng làm.

Các doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân làm phim lâu nay vẫn luôn mong mỏi những chính sách ưu đãi về vay vốn, khơi thông nguồn vốn ngân hàng, làm sao để các bộ phim dù không phải là tài sản hữu hình nhưng vẫn có thể đi vay để sản xuất. Tương tự, các không gian văn hóa sáng tạo cũng gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động bởi chưa có những ưu đãi, hỗ trợ về thuế, chính sách...

Sau những khó khăn về vốn là khó khăn về việc thiếu không gian và cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp tổ chức sự kiện và triển khai các hoạt động sáng tạo. Hiện các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều vướng mắc về giấy tờ, thủ tục khi muốn sử dụng các thiết chế văn hóa thuộc sở hữu Nhà nước.

Ðây cũng là một nghịch lý khi nhiều thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư bỏ không, chưa được vận hành hiệu quả, gây lãng phí. Thêm vào đó, các chính sách và quy định hỗ trợ cho ngành sáng tạo chưa được định hình rõ ràng và hiệu quả, thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu sự hỗ trợ cụ thể từ phía các cơ quan chức năng.

Nhạc sĩ Quốc Trung thẳng thắn cho rằng, chính sự phân biệt về chính sách giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nhà nước, nhất là trong việc sử dụng thiết chế văn hóa công đã hạn chế sự đóng góp của khối tư nhân làm công nghiệp sáng tạo vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, hạn chế sức sáng tạo, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các lực lượng sáng tạo.

Nhìn tổng thể các chính sách ưu đãi về đầu tư, về hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở nước ta so với các quốc gia phát triển đang có một khoảng cách lớn và chưa phải là “cần câu” để khối tư nhân có thể sử dụng tạo ra bước nhảy vọt.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra nhiệm vụ quan trọng là xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Về pháp lý, lĩnh vực văn hóa được hưởng một số ưu đãi hiện hành, nằm trong các luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Thuế giá trị gia tăng, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Nghị định số 144/2020/NÐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Luật Ðiện ảnh 2022…

Tuy nhiên, để cụ thể hóa ưu đãi của tài chính, thuế, đầu tư sang lĩnh vực văn hóa, thì chưa có khung pháp lý đặc thù. Vì vậy, khả năng tiếp cận các chính sách ưu đãi này của doanh nghiệp còn hạn chế và khó khăn, chưa tạo động lực cho kinh doanh công nghiệp văn hóa.

Nhìn ra các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển, có thể thấy, những chính sách dành cho khối doanh nghiệp tư nhân khá thông thoáng và nhiều ưu đãi. Ðơn cử như Hàn Quốc, thay đổi quan trọng trong cơ chế quản lý văn hóa của nước này là xu hướng chuyển từ “chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân”.

Xu hướng này bảo đảm cho việc chính sách văn hóa không phải được áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội. Chính phủ nước này đã thành lập hơn 20 hiệp hội, liên đoàn các ngành công nghiệp sáng tạo, trung tâm sáng tạo và bản quyền là các cơ quan kết nối, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy hợp tác quốc tế phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, trong thời gian dài, Hàn Quốc duy trì các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn trong nước tập trung vào ngành công nghiệp truyền thông và sáng tạo. Tại Trung Quốc, chính phủ đã tiến hành tái cấu trúc các doanh nghiệp văn hóa và củng cố các thiết chế văn hóa chủ đạo phục vụ công ích, đồng thời hình thành hệ thống Quỹ đầu tư cho công nghiệp của Chính phủ và doanh nghiệp.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố gần đây, các doanh nghiệp về văn hóa và các ngành nghề liên quan có doanh số tăng ấn tượng. Tương tự, nước Anh có mô hình đầu tư cho văn hóa được đánh giá là thành công với sự kết hợp hài hòa giữa đầu tư công, doanh thu, nguồn tài chính tư nhân và hiến tặng.

Chính phủ có nhiều biện pháp ưu đãi để khuyến khích hiến tặng tư nhân, tài trợ của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ khác cho lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Chính những nguồn lực đa dạng này đã tạo điều kiện để lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật phát triển mạnh mẽ.

Từ kinh nghiệm một số quốc gia tiêu biểu về công nghiệp văn hóa sáng tạo trên thế giới, có thể thấy chính phủ các nước đều nỗ lực tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Tại Việt Nam, những thách thức đặt ra cho phát triển công nghiệp văn hóa đòi hỏi yêu cầu phải có sự đột phá về tư duy quản lý văn hóa, trong đó, có việc chú trọng đến vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước, đầu tiên là tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước đối với vị trí, vai trò của các doanh nghiệp văn hóa.

Trong chính sách phát triển văn hóa, cần đánh giá đúng về vai trò của doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nhà nước, từ đó có sự công bằng trong các chính sách hỗ trợ. Khẳng định điều này, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì cần hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành nền kinh tế thị trường, nghĩa là phải có chính sách đãi ngộ cho những người trực tiếp sáng tạo văn hóa, các doanh nhân, nhà đầu tư...

Cũng theo ông Lê Quốc Vinh, công nghiệp sáng tạo là lĩnh vực biến đổi rất nhanh, kéo theo nhiều hình thức kinh doanh mới. Vì thế, muốn doanh nghiệp không bị hạn chế về sức sáng tạo, phải gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện để cơ chế hoạt động và khung pháp lý dành cho các doanh nghiệp trở nên linh hoạt, mềm dẻo hơn.

Theo đó, cơ chế, chính sách cần được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến đổi không ngừng của các ngành công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như: Sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa.

Ðồng thời, nên chuyển dịch dần sự hỗ trợ của Nhà nước sang các tổ chức tư nhân tham gia lĩnh vực văn hóa để thực hiện một số công việc của Nhà nước, thay vì chỉ Nhà nước đứng ra làm.

Cùng với đó, đầu tư trong lĩnh vực văn hóa cũng cần có sự thay đổi mạnh mẽ, rõ nét hơn. Nhà nước cần tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật…

Phát triển doanh nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Vì thế, tháo gỡ các điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách là yêu cầu bắt buộc, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.

Khi có những giải pháp phù hợp, căn cơ, Việt Nam mới có thể tạo ra bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Mới đây, ngày 29/8/2024 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chỉ thị khẳng định: Chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa; trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường khả năng thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Mong rằng, chỉ thị sẽ trở thành chiếc “đòn bẩy” để ngành công nghiệp văn hóa được đầu tư xứng tầm, giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm đạt được kỳ vọng đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Theo Minh Anh (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm