Nhìn từ Pleiku: Mê cung mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi bàn tới mạng xã hội bây giờ, nhiều người thường nói: Không gian ảo ấy mà! Không sai, nhưng tôi thì cứ thấy nó còn là “mê cung” nữa. Trong cái mê cung ảo ấy, thật giả lẫn lộn. Nói đến mê cung, người ta đã nêu: thường là do tưởng tượng, rất phức tạp và khó phân biệt, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng-đã bị cuốn vào mê cung thì khó tìm được lối ra. Mạng xã hội bây giờ cũng vậy, một thế giới vừa thật, vừa ảo của mê cung.

Có một thực tế là, tham gia mạng xã hội hiện nay đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với gần 2 tỷ người trên hành tinh này. Riêng mạng xã hội Facebook hiện có khoảng 1/3 dân số Việt Nam tham gia (tức khoảng 35 triệu tài khoản Facebook-theo Báo Dân trí). Cái hay, cái lợi của mạng xã hội là kết nối đến từng “chân răng” của  cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... Nào ảnh, nào chuyện, kể lể, khen chê, chửi mắng… thôi thì tất tần tật “sân-si-hỉ-nộ” đều trút vào… mạng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xin không bàn sâu cái hay, cái tiện lợi, cái thiện, cái ác, cái dở,…của mạng xã hội mang lại, gieo đến, chỉ xin mạn đàm về cái tiếp nhận, cái buông trôi của “cư dân mạng” bây giờ và hệ lụy của nó. Gần đây, Nguyễn Kim Anh (30 tuổi, quê Nghệ An)-chủ một cửa hàng mua bán, sửa chữa máy tính xách tay cũ trên đường Hàm Nghi, TP. Đà Nẵng đã tung tin bịa hoàn toàn lên Facebook là: “Lễ hội bóp vú từ thiện” tại  Công viên 29-3 (Đà Nẵng).  Vậy mà biết bao người vào like và bình luận say mê, hỉ nộ một chuyện dối trá (!). Điều này chỉ dừng lại khi cơ quan công quyền vào cuộc và phạt chủ tài khoản Facebook này. Lại nữa, mới nhất, “hot” nhất: Cái chuyện một tội phạm tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh bị truy nã toàn quốc và quốc tế ra đầu thú, vậy mà mấy ngày nay, cư dân mạng trong nước, ngoài nước nhảy vào khiến cho loạn cả thông tin. Và thật giả lẫn lộn, khiến ai mà vào đọc thì thật sự đã lọt ngay rừng thông tin, bình phẩm ma ma thật thật “thật của thật; ảo của ảo; mê cung của mê cung.

Một thầy giáo nguyên là cán bộ Khoa Quản lý Giáo dục của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai  đã lý luận khi bàn về “cư dân mạng”: Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Vấn đề là do nhận thức của người tham gia cộng đồng mạng. Để phân định được đúng-sai, phải-trái thông tin trên mạng cần có nhận thức đúng nói chung, nhận thức là một công dân vì dân tộc Việt Nam nói riêng cần tỉnh táo và có trách nhiệm khi tiếp cận cái thật-ảo. Đúng là vậy. Nhưng có câu hỏi: Khi tham gia cộng đồng mạng, có ai sẵn sàng cho tâm lý, hay khả năng nhận thức để chơi mạng là như thế nào? Có cơ quan, nhà tư vấn nào “tập huấn” cho không? Hầu như, để gia nhập “cư dân mạng” thì chỉ nghe rỉ tai nhau, bày cho nhau, lập tài khoản và tha hồ vẫy vùng trong cái không gian ảo do mình lập ra. Và  hiệu quả cũng ngát trời. Hệ lụy cũng điêu đứng (từ cái nghiện mạng mà lấy nhầm Sở  Khanh, tự đốt nhà, nhảy sông, ngoại tình, ly hôn,... và cả vướng vòng lao lý).

Đúng vậy, ảo thì cũng ra khỏi ảo được. Mê cung nào rồi cũng có lối về. Nhưng khi ra được thì thường đã muộn. Vấn đề là khoảng 1/3 dân số Việt Nam đang tham gia cộng đồng mạng, trước hết cần tự trang bị nhận thức về quyền lợi của mình, của đất nước, dân tộc mình mới là cơ bản.

Linh Lan

Có thể bạn quan tâm