Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ bữa thịt chuột giữa rừng của họa sĩ Xu Man

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa gặp họa sĩ Giang Nguyên Thái nhân dịp ông về thăm lại chiến trường xưa. Trong rất nhiều hồi ức về một thời trai trẻ trong lửa đạn Tây Nguyên trước năm 1975, ông kể tôi nghe về cuộc gặp gỡ đặc biệt với họa sĩ Xu Man.

Sinh năm 1943 tại Hà Nội, tháng 10-1969, họa sĩ Giang Nguyên Thái rời Trường Đại học Mỹ thuật vào Nam trong biên chế của Bộ Văn hóa. Vượt Trường Sơn, ông được phân về Tiểu ban Văn nghệ (năm 1972 đổi thành Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ), lúc này đang đóng tại khu vực Đak Pui, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái (ở giữa) vẽ ở chiến trường Khu 5, năm 1972 (ảnh nhân vật cung cấp).

Họa sĩ Giang Nguyên Thái (ở giữa) vẽ ở chiến trường Khu 5, năm 1972 (ảnh nhân vật cung cấp).

Trước đó, ông và đồng nghiệp đã trải qua khóa huấn luyện nghiêm ngặt kéo dài 3 tháng tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo họa sĩ Giang Nguyên Thái, đó là thời kỳ chiến tranh ác liệt nhưng tuổi trẻ và lý tưởng sống đã cuốn họ đi không chút đắn đo, ngại ngùng. Thậm chí, được đi chiến trường là niềm hạnh phúc lớn lao.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái hồi nhớ: Những năm tháng ấy, chiến trường Khu 5 thiếu đói trầm trọng. Đường 559 bị đánh phá ác liệt, nguồn lương thực từ miền Bắc không vào được, phần lớn những nơi có thể tăng gia sản xuất thì đã bị địch thả bom, ruồng bố hoặc phun chất độc. Trong hoàn cảnh ấy, những người chân yếu tay mềm-Tiểu ban Văn nghệ chúng tôi-là bộ phận đói nhất. Thời gian đó, chúng tôi phải ăn củ móng ngựa, ruột cây dớn, các loại rau tàu bay, môn thục, môn dóc, lá tai voi, măng rừng… Thỉnh thoảng được cấp vài lon gạo “bọc thép” (gạo của đồng bào tại chỗ, lúa gieo 6 tháng mới thu hoạch), anh em phải hầm kỹ đến mức hạt cơm nở xòe ra mới ăn nổi.

Chúng tôi ở Đak Pui một thời gian ngắn thì chuyển sang Đak Ngêu rồi sau đó là Trà Nô. Sau Tết Nhâm Tý, làm xong cỏ rẫy bắp và lúa ở gần cơ quan, đầu tháng 3-1972, tôi và nhà văn Nay Nô (hiện sống tại Gia Lai) lên đường đi Kon Tum tham gia Chiến dịch Đak Tô-Tân Cảnh. Trèo đèo vượt suối, qua cầu treo sông Tranh, qua trạm giao liên Ông Rộng, ngày đi đêm nghỉ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu rừng nơi trú đóng Ban Tuyên huấn tỉnh Kon Tum.

Tại đây, trong những ngày chờ chiến dịch khai màn, tôi đến thăm họa sĩ Xu Man. Trường Mỹ thuật Hà Nội ngày trước tuyển sinh rất ít nên sinh viên thường thuộc tên nhớ mặt nhau. Họa sĩ Xu Man học trước tôi nhiều khóa, từng có tranh trưng bày trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc khi còn đi học nhưng anh là người trở lại Tây Nguyên khá sớm nên tôi chưa được gặp ở Hà Nội.

Gặp nhau giữa rừng, bất ngờ không phải vì thấy anh mảnh khảnh quá, so với những gì tôi tưởng tượng mà vì Xu Man là người hỏi tôi trước, đầy sự quan tâm của một người anh đối với đứa em: “Nghe nói Giang Nguyên Thái vào, mà không biết có gặp được không”. Chúng tôi nắm tay nhau hồi lâu, nhắc lại những kỷ niệm của mỗi người dưới mái trường thân yêu giờ đã xa vời vợi. Hôm đó là 17-4-1972, ngày tôi vẽ bức chân dung họa sĩ Xu Man đầu tiên với chiếc tẩu tre thường trực trên môi.

Trong lúc vui chuyện, họa sĩ Xu Man mang ra cho tôi xem một số ký họa mà anh đã vẽ từ ngày vào chiến trường. Đó là những bức tranh sinh động về đời sống hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên, về cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Nét vẽ của anh Xu Man thật khỏe khoắn và lạc quan. “Nhưng sao lại chỉ có 2 màu đen và trắng thế này”-nghe tôi hỏi Xu Man cười thật hiền lành: Có màu khác nữa đâu... Tôi mở ba lô chia cho anh mấy ống màu vẽ mang theo. Xu Man mừng hơn bắt được vàng.

Ký họa của Giang Nguyên Thái. Trên tranh ghi: Anh Xu Man – dân tộc Ba Na, họa sĩ của Tây Nguyên, Kon Tum 17-4-1972. Ảnh NVCC

Ký họa của Giang Nguyên Thái. Trên tranh ghi: Anh Xu Man – dân tộc Ba Na, họa sĩ của Tây Nguyên, Kon Tum 17-4-1972. Ảnh NVCC

Chiều đó, anh mời tôi và Nay Nô một bữa cơm thịnh soạn với rượu ghè và thịt chuột nướng. Họa sĩ Xu Man thật thà nói rằng, đây là đồ ăn thức uống cây nhà lá vườn: rượu làm từ củ mì do anh tăng gia, thịt chuột do anh bẫy được ngoài rẫy. Sau này, dù đi rất nhiều nơi, được thưởng thức nhiều cao lương mỹ vị, nhưng tôi vẫn nhớ bữa ăn giữa rừng năm ấy. Thịt chuột và rượu thơm ngon đã đành, nhưng củ mì đang ủ trong ghè chưa thành rượu lấy ra ăn lại càng thêm say. Có thể khi ấy, anh em đói quá, cũng có thể tình cảm đồng đội quý mến nhau nơi chiến trường thiêng liêng quá nên bao năm rồi mà tôi vẫn không thể nào quên lần gặp gỡ ấy.

Chia tay nhau, chúng tôi lại mỗi người một việc theo nhiệm vụ được phân công. Xu Man ngoài những ký họa nhỏ, đã không có tác phẩm nào đáng kể trong giai đoạn này. Vì sao ư? Theo họa sĩ Xu Man, lao động sản xuất là chính, thỉnh thoảng tham gia trang trí hội trường khi có họp hành hay đại hội đã chiếm hết thời gian, chưa kể bệnh sốt rét luôn hành hạ anh. Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng nữa là Xu Man thiếu màu và giấy vẽ.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái tại Pleiku, năm 2023. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Họa sĩ Giang Nguyên Thái tại Pleiku, năm 2023. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Chiến tranh kết thúc, sau khi đi học và trở về từ nước ngoài, được Bộ Văn hóa giao phụ trách Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), trong một chuyến công tác Tây Nguyên, tôi đã gặp lại họa sĩ Xu Man tại thị xã Pleiku. Anh vẫn không có gì thay đổi: Sống một mình trong căn phòng tập thể đơn sơ, nếu không muốn nói là tuềnh toàng ở Ty Thông tin Văn hóa Gia Lai-Kon Tum. Tại đây, công việc chính của anh là vẽ pa nô tuyên truyền cho đơn vị. Anh cứ âm thầm sống như vậy cho đến cuối năm 1983 thì về nghỉ hưu tại làng Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang. Sau những trận ốm, vào ngày cuối cùng của năm âm lịch 2007, Xu Man lặng lẽ ra đi. Những thông tin sau này về anh, tôi có được là nhờ bạn bè mách bảo hoặc qua báo chí”-họa sĩ Giang Nguyên Thái thoáng buồn khi nhắc lại chuyện cũ.

Theo họa sĩ Giang Nguyên Thái, mỹ thuật Tây Nguyên thật tự hào khi có được một người như Xu Man. Tranh của Xu Man từ lâu đã được lưu trữ, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một vinh dự mà không phải họa sĩ nào cũng có. Hơn thế, họa sĩ Xu Man đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2012.

“Xu Man mất đã 16 năm, nếu còn sống đến bây giờ, anh ấy đã 98 tuổi. Anh vĩnh viễn không bao giờ biết rằng hơn nửa thế kỷ trước, tôi đã được những bức họa của anh truyền cho cảm hứng sáng tạo rất lớn về đề tài Tây Nguyên, chính trong bữa thịt chuột giữa rừng năm ấy. Tôi luôn nhớ và biết ơn người đàn anh Xu Man về điều đó”-họa sĩ Giang Nguyên Thái chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm