Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Họa sĩ Xu Man và một quãng đời nô lệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cố họa sĩ Xu Man là một tài năng lớn của nền hội họa Việt Nam đương đại. Tên tuổi của ông không những đã quá quen thuộc với giới hội họa mà cả với những ai có chút vốn văn hóa Tây Nguyên. Tuy nhiên, có lẽ còn ít người biết họa sĩ đã có một quãng đời cay cực dưới ách thống trị của thực dân Pháp trước khi được Cách mạng cứu vớt.

Xu Man quê gốc ở làng Đê Krơn, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Vì nghèo không có tiền đóng thuế thân, cha ông bị trưởng làng bắt bán cho tên Huyện trưởng Mô làm đích (nô lệ) bằng giá 7 con trâu. Lúc này, cậu bé Siêu Dơng (tên của Xu Man lúc nhỏ) mới 10 tuổi. Một thời gian sau nhớ cha, Dơng đòi mẹ dẫn lên thăm cha ở Plei Bông, chẳng ngờ cũng bị bắt làm nô lệ. Mẹ Dơng không biết rằng trước đó trưởng làng đã thỏa thuận bán nốt hai mẹ con cho Huyện trưởng Mô với giá 3 con trâu…

 

 Họa sĩ Xu Man. Ảnh: Trần Phong
Họa sĩ Xu Man. Ảnh: Trần Phong

Cũng như người Kinh, đồng bào dân tộc bản địa ở Tây Nguyên lúc bấy giờ cũng phải chịu thứ thuế vô nhân đạo là thuế đinh hay còn gọi là thuế thân. Thứ thuế này đánh vào đối tượng là đàn ông từ 18 tuổi trở lên. Ban đầu, mỗi suất đinh phải đóng 1 hào, nhưng rồi chúng cứ tăng dần theo thời gian. Lúc cha Xu Man bị bắt làm đích, thuế thân đã tăng lên 3,2 đồng, tương đương 1 tạ gạo. Lúc đầu, thực dân Pháp còn cho nộp thuế bằng hiện vật, sau chúng bỏ bắt nộp bằng tiền. Đó là thủ đoạn thâm độc bởi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm nông nghiệp của họ có giá trị thấp, khó tiêu thụ, trong khi lại chưa quen với việc trao đổi thương mại nên tiền mặt rất hiếm. Không có tiền để nộp, họ buộc phải làm “xâu” cho “Nhà nước”. Tuy nhiên, với hình thức này, họ lại càng bị bóc lột nặng nề hơn. Bởi đối tượng nộp thuế thì đông, trong lúc việc “Nhà nước” thì ít, thực dân Pháp bèn nghĩ ra cách bán “xâu” cho các chủ đồn điền để lấy tiền. Nắm cơ hội, các chủ đồn điền định giá ngày công thật rẻ mạt để kéo dài ngày “xâu”. Thế nên lẽ ra số tiền họ phải nộp thuế chỉ bằng khoảng 30 ngày làm xâu thì bị bọn chủ đồn điền kéo ra tới 50 ngày, thậm chí có khi tới 70-80 ngày. Không chỉ bị bóc lột sức lực, họ còn bị các chủ đồn điền đánh đập, cúp phạt, làm cớ kéo dài ngày công.

Không chỉ đóng thuế thân, đồng bào dân tộc thiểu số ai làm gì thì phải đóng thuế thứ đó. Làm rẫy đóng lúa, chăn nuôi trâu, bò đóng thuế trâu, bò... Nhưng phi lý nhất, theo Xu Man kể thì voi cũng phải chịu thuế bằng giá 20 ngày đi làm xâu như người. Nếu làm chưa hết thì cũng bị “Nhà nước” bán lại cho các chủ đồn điền. Vậy là hàng năm, cả chủ và voi lại phải dong nhau đi làm xâu… Sống trong chế độ áp bức, bóc lột không lối thoát như vậy, người nghèo như cha mẹ ông chỉ còn sự lựa chọn là bán mình cho các chủ làng để rồi trở thành một thứ hàng hóa trong tay nhà giàu hay bọn cai trị có thế lực.Và cũng như giới địa chủ, quan lại ở đồng bằng, trong số này không thiếu những kẻ tàn ác. Huyện trưởng Mô cũng là một trong số ấy. Trở thành nô lệ, cậu bé Dơng được giao việc chăn bò. Sáng sớm, Dơng lẫn vào đàn bò đông cả trăm con như một hình hài được nặn bằng đất, cho đến tối mịt mới lùa bò về. Thế mà nhiều hôm Dơng còn bị chủ viện cớ chăn bò ăn chưa no nên phạt không cho cậu ăn cơm. Co ro trong tấm dồ mỏng dính để níu chút hơi ấm dưới gầm nhà chủ, bốn bên gió lùa hun hút, bụng đói cồn cào, nhiều lần không nén nổi Dơng khóc nấc lên. Nhớ có lần đói quá, cậu phải giành xương cả với lũ chó nhà chủ… Cùng cảnh ngộ như con, cha Dơng cũng thường xuyên bị chủ đánh đập, cúp phạt. Phải làm việc quá mức, ông kiệt sức rồi lâm bệnh. Thấy ông trở nên vô dụng, Huyện trưởng Mô đuổi ra khỏi nhà. Vật vờ với bệnh tật được một thời gian ngắn thì ông qua đời. Cũng như cha, mẹ Dơng cạn dần sức lực rồi 3 năm sau cái chết của chồng, bà cũng ra đi để lại mình Dơng trơ trọi trên đời. Tên chủ Mô tuyên bố: “Cha mẹ mày chết chưa trả hết nợ thì mày phải ở bù. Giá 10 con trâu, tính ra mày phải ở làm nô lệ thêm 25 năm!”.

Triển lãm trưng bày 150 tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Xu Man. Ảnh: Phương Linh
Triển lãm “Họa sĩ Xu Man-những gì còn lại…” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tại đường Anh hùng Núp (TP. Pleiku) hồi tháng 11-2018. Ảnh: Phương Linh


Chẳng biết Dơng có sống được đến bằng ấy năm hay không, nếu không có bộ đội đến đánh đồn, bắt Huyện trưởng Mô, giải phóng cho ông. Cách mạng đến, cũng như bao người dân Tây Nguyên bị áp bức, Xu Man đã hăng hái gia nhập đoàn quân giải phóng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Từ một thân phận nô lệ, ông được Cách mạng cứu vớt rồi đào tạo thành một họa sĩ. Lúc tại thế, Xu Man vẫn thường nói: “Nếu Cách mạng không đến thì mình vẫn chỉ mãi là thằng Dơng nô lệ”. Dễ hiểu vì sao trong rất nhiều tác phẩm của Xu Man lại có hình ảnh Bác Hồ. Ông thổ lộ: “Bác Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn nhất của đời tôi, tiếc rằng sự thể hiện lại không được như mong muốn”…
 

NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm