Phóng sự - Ký sự

Nhớ mãi cuộc rút quân ngày ấy...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối tháng 5-1972, cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở thị xã Kon Tum diễn ra vô cùng quyết liệt. Địch đã điều Sư đoàn 23 từ Pleiku lên cùng lực lượng tại chỗ rải quân phòng thủ dày đặc xung quanh thị xã, đồng thời dùng tối đa hỏa lực phi pháo ngăn chặn bước tiến của quân ta.

Sư đoàn 2 (Quân khu 5), Trung đoàn 28, Tiểu đoàn Đặc công 408 (Mặt trận Tây Nguyên) đã chiếm được một số mục tiêu trong thị xã nhưng không phát triển được. Ở vòng ngoài, Sư đoàn 320 của chúng tôi liên tiếp bị các đợt B52 rải thảm và phi pháo của địch dội xuống. Ác liệt cộng thêm những khó khăn do mưa xuống không vận chuyển bảo đảm kịp thời công tác hậu cần khiến chúng tôi ngày thêm căng thẳng, mệt mỏi và kiệt sức. Đêm 5-6-1972, đại đội tôi đang cùng Trung đoàn 64 chốt giữ ở ngã ba Trung Tín thì được lệnh rút quân.  

 

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum). Ảnh: internet
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum). Ảnh: internet

Cuộc rút quân thật lắm cam go. Đường rút ra thì địch chặn trước, đánh sau. Gạo ăn mỗi ngày mỗi người chỉ còn chưa đầy 3 lạng. Ác liệt, gian khổ và cái đói làm cho đường hành quân như dài ra. Đã vậy, máy bay địch lại luôn vè vè trên đầu phát ra những bản nhạc não nề và lời kêu gọi “trở về với chánh nghĩa quốc gia”. Cuộc chiến đấu quyết liệt dưới mưa bom bão đạn với quân địch những ngày vừa qua đã làm cho đơn vị tổn thất nặng nề. Cả 3 đại đội trưởng trong tiểu đoàn đều hy sinh. Hơn hai phần ba trung đội trưởng hy sinh phải thay thế. Nhiều đồng đội, trong đó có những người đồng hương, đồng ngũ của tôi cũng đã hy sinh. Gian nan, ác liệt là vậy nhưng sự tiếc thương đồng đội và niềm tin thắng lợi đã nâng bước chúng tôi cùng nhau vượt qua, tiến lên phía trước.

Quá trưa ngày hành quân thứ ba, sau khi vượt một bãi bắp rộng vào đến suối đá dưới chân dãy Chư Mom Ray thì đại đội nghỉ giải lao ăn trưa để chuẩn bị vượt dốc. Nghỉ đã lâu mà vẫn thấy thiếu cậu Hiển của khẩu đội 3. Ăn cơm xong, Trung đội cho người quay lại tìm mà không thấy. Thời gian hành quân không thể dừng được. Sau khi hội ý, Ban Chỉ huy Đại đội quyết định đơn vị tiếp tục hành quân, để lại một người tìm đón rồi đi sau. Và tôi được giao nhiệm vụ này. Tôi nhanh chóng bàn giao trang bị lại cho trung đội, nhận một khẩu AK, 3 băng đạn, 2 quả lựu đạn và 3 lưng bát gạo. Trước khi đơn vị hành quân, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đản đến bên tôi căn dặn: “Ở lại một mình, cậu phải hết sức cảnh giác. Khi nào tìm được cậu Hiển, anh em khẩn trương đuổi theo đơn vị nhé!”.

Đơn vị đi rồi, một mình giữa núi rừng bao la, cảm giác cô đơn xâm chiếm lòng tôi. Uống một ngụm nước suối cho tỉnh, tôi bắt đầu quay lại đường hành quân cũ tìm Hiển. Bãi bắp khá rộng, cây đã cao quá đầu người đang thì kết trái trổ cờ, tôi đi theo hướng cũ nhưng chệch vào phía trong vài mét để nhỡ Hiển có mệt rẽ vào nghỉ mà ngủ quên sẽ thấy được. Hết bãi bắp, đi tiếp ra đường tăng một đoạn vẫn không thấy bóng người nào. Tôi quay lại, rẽ sang phía đối diện lúc trước, vừa đi vừa quan sát nhưng vẫn không thấy gì. Về đến bờ suối thì mặt trời đã chuẩn bị khuất sau ngọn núi phía Tây. Tôi tranh thủ đi tìm chỗ ngủ qua đêm. Thấy bên phải có đám chuối xanh tốt, tôi đi vào thấy một số hầm trú ẩn của bộ đội ta để lại. Chọn được một hầm khá chắc chắn và kín đáo, tôi dọn qua và lấy lá chuối khô rải xuống nền hầm, đưa ba lô vào rồi lấy cà mèn, trút ra nửa gạo đi ra suối lấy nước nấu cơm. Trong khi chờ cơm chín, tôi khoác súng đi một lượt quanh bãi chuối xem xét địa hình để nếu có địch còn biết đường mà xử trí. Cơm chín, tôi lấy gói muối rang ra khoét một nửa ăn, còn một nửa để lại nếu thấy Hiển để cậu ấy ăn. Ăn cơm xong thì trời đã tối mịt. Tôi xách súng ra bụi chuối gần đường ngồi đợi xem có thấy Hiển đi qua còn biết mà đón. Ngồi đã khá lâu, muỗi rừng cắn rát cả mặt mà không thấy ai. Trời lại mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Tôi quay lại hầm nằm nghỉ. Những tưởng người đang mệt bã, nằm xuống là ngủ được ngay nhưng nằm mãi mà không sao ngủ được. Không ngủ được thì lại nghĩ lan man. Tự nhiên tôi thấy sợ và lo. Lo và sợ vì một mình giữa đồng không mông quạnh, nhỡ không may bị bom pháo hay biệt kích thám báo vồ được thì chẳng ai biết đấy là đâu. Nhưng tôi lại nghĩ, ở đây đã xa, không có trận địa pháo nào của địch bắn tới được. Còn khu vực này cũng chẳng có gì để địch phải tung thám báo lùng sục. Chỉ còn máy bay đánh bom và B52 rải thảm, nhưng đây lại là khu vực sản xuất của dân nên địch cũng chả dại gì mang bom rải xuống chỗ không người. Đang suy nghĩ miên man, tôi bỗng thấy tiếng chạy xoàn xoạt trên mặt đất, lắng tai nghe, một lúc sau mới thấy tiếng con hoẵng kêu toác toác ở phía bờ suối.

Nỗi sợ thú dữ lại ập đến. Khu vực Chư Mom Ray này nổi tiếng nhiều hổ. Từ ngày vào Tây Nguyên, tôi được nghe nhiều chuyện bộ đội ta bị hổ vồ rất thương tâm. Có anh đang hành quân lên cơn sốt rét, rớt lại bên đường, khi đồng đội quay lại tìm thì chỉ còn nắm xương nhầy nhụa máu. Lại có anh vận tải ngồi nghỉ bên bờ suối, chờ lâu không thấy lên, anh em quay lại chỉ thấy gùi đạn ĐKZ ở đó, đi tìm sâu vào rừng thì thấy đã bị hổ xé ăn nham nhở. Suy nghĩ miên man, tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Đang ngủ mê mệt, tôi bỗng giật mình thức giấc khi có tiếng nói từ xa vọng lại. Tôi bật dậy, chụp khẩu súng thận trọng bò ra cửa hầm thì thấy trời đã sáng bạch. Tiếng động cơ vè vè của chiếc máy bay L19 cũng vừa vòng lại, rồi tiếng nói từ chiếc loa phóng thanh trên máy bay dội xuống nghe mỗi lúc một rõ: “Hỡi các bạn cán binh của Sư đoàn 320 chính quy Bắc Việt. Qua cuộc đọ sức vừa qua, các bạn đã thấy rõ sức mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và đồng minh Hoa Kỳ. Các bạn hãy mau tỉnh ngộ quay về với chánh nghĩa quốc gia. Quay về, các bạn sẽ được trọng dụng và đối xử tử tế. Sau đây, mời các bạn nghe lời tâm sự của một đồng đội của các bạn vừa trở về với quốc gia(!)”. Tiếng cọt kẹt từ chiếc loa phát ra, một lúc sau mới nghe được tiếng nói: “Tôi là Nguyễn Xuân...”. Đúng lúc đó, chiếc máy bay vòng lượn quay ngoắt làm cho tiếng nói hút vào không trung. Cùng lúc ấy, tôi thấy từ trên cao những tờ giấy trắng rơi lả tả xuống đất. Tôi nhặt một tờ lên xem thì thấy ảnh cậu Hiển vác chiếc chân cái của súng máy 12 ly 7 đứng trước một tòa nhà; bên cạnh là những dòng chữ liêu xiêu, nghiêng ngả của cậu ta. Sự căm phẫn kẻ đã phản bội khiến tay tôi tự nhiên vò nát tờ truyền đơn ném mạnh xuống đất. Sau phút tức giận tột cùng, bình tĩnh lại, tôi nhặt một tờ khác, gấp lại đút vào túi áo, rồi lấy ba lô đuổi theo đơn vị.

Đường lên Chư Mom Ray chỗ này dốc không cao lắm nhưng khá dài. Tôi cắm cúi vượt dốc. Sự căm giận kẻ phản bội và niềm khát khao được trở về với đồng đội khiến tôi đi không biết mệt. Đi miết, đến khi mặt trời đã tà tà thì thấy phía trước có tiếng chặt cây. Đến nơi, tôi thấy một đơn vị đang ở. Hỏi ra thì được biết, một bộ phận Tiểu đoàn 25 vận tải của Sư đoàn chốt ở đây để chuyển thương binh và thu hồi vật chất hậu cần còn lại về phía sau. Tôi nói sơ qua về nhiệm vụ của mình rồi hỏi thăm tình hình về đơn vị. Các anh cho biết, các đơn vị của Sư đoàn đang ở gần bờ sông Pô Kô, từ đây đến đó khoảng 12 tiếng đồng hồ nữa. Tôi quyết định nghỉ lại đêm nay cùng đơn vị, rồi rẽ vào phía trong tìm chỗ mắc tăng võng. Chuẩn bị xong chỗ ở, tôi vào võng nằm nghỉ cho lại sức. Đang thiu thiu thì nghe tiếng bước chân đi vào. Tôi vội ngồi dậy thì thấy một anh dáng vẻ chỉ huy đứng trước mặt, anh nhìn tôi vui vẻ nói: “Đồng chí đã có gì ăn chưa. Cầm lấy ít gạo này nấu cơm ăn rồi hãy nghỉ!”. Nói rồi, anh trút cho tôi miệng bát gạo và 3 con cá khô. Tôi cảm ơn anh và vùng dậy lấy cà mèn đi lấy nước nấu cơm ăn. Sớm hôm sau, khi thức giấc, đơn vị đã đi làm nhiệm vụ.

Còn lại nửa gạo hôm trước, tôi lấy ra nấu nốt, ăn một nửa, còn một nửa để đi đường. Tôi tiếp tục đi, trong lòng đã bớt lo lắng. Bước chân cũng thấy nhanh hơn. Cứ thế tôi đi, lúc nào mệt thì nghỉ, nghỉ rồi lại đi. Đến đoạn đường dốc xuống thoai thoải thì mặt trời đã chiếu thẳng vào mặt. Đi một thôi nữa, tôi gặp 2 chiến sĩ của Trung đoàn 48 đang khiêng nước, hỏi thăm về đơn vị, các anh tươi cười nói: “Mười sáu à. Thế thì đi 200 m nữa rồi rẽ trái!”. Theo chỉ dẫn, tôi đã tìm được về đơn vị. Tôi đi thẳng vào lán đại đội. Thấy tôi về, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đản và Chính trị viên Nguyễn Văn Nấp cùng chạy ra mừng rỡ: “Tấn đã về đấy à. Thế Hiển đâu?”. Tôi mệt mỏi thưa: “Báo cáo hai anh, thằng Hiển nó chiêu hồi rồi”. Vừa nói, tôi vừa móc tờ truyền đơn trong túi áo ra đưa cho Đại đội trưởng. Anh Đản liếc nhìn tờ truyền đơn bực dọc thốt ra: “Thật không ngờ!”. Chính trị viên Nấp thì đăm chiêu suy nghĩ, rồi anh quay sang tôi: “Đồng chí về trung đội nghỉ, chuẩn bị ăn cơm để tối còn vượt sông!”. Tôi về đến đơn vị, anh em ùa ra đón, Trung đội trưởng Thảnh và anh em ở các khẩu đội cũng chạy đến, mọi người cùng hỏi: “Hiển đâu?”. Tôi buồn bã: “Nó đang ở thị xã Kon Tum rồi(!)”. Nghe vậy, mọi người đều tỏ rõ sự bực bội đến tột cùng.

Đêm đó, tôi cùng đơn vị vượt sông Pô Kô sang bờ Tây, rồi hành quân vào vị trí tạm dừng. Ngày hôm sau, được phổ biến chúng tôi mới rõ: Trung đoàn 28 và 66 cùng các lực lượng pháo binh tiếp tục bao vây thị xã Kon Tum, đánh địch nống lấn, bảo vệ các khu vực ta đã giải phóng; Trung đoàn 95 và 24 tiếp tục đánh cắt giao thông trên đường 14, ngăn chặn sự vận chuyển của địch giữa Pleiku và Kon Tum. Sư đoàn 320 chúng tôi thì được lệnh lật cánh về Gia Lai cùng một số đơn vị đang đứng chân ở đây và lực lượng vũ trang địa phương mở mặt trận mới…

Năm 2012, vào dịp kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, tôi và một số đồng đội đến thăm Trung tá Nguyễn Văn Đản nghỉ hưu ở Mộ Đạo (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Trong niềm vui gặp lại của những người “một thời với Tây Nguyên”, anh Đản đã nhắc lại chuyện ở Chư Mom Ray và nói với chúng tôi: Ngày ấy bom đạn ác liệt, cực khổ là thế mà chúng mình vẫn vượt qua. Bây giờ kể lại, liệu có mấy ai tin!

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm