Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhớ mái nhà xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong trí nhớ của tôi, ngôi nhà ngày xưa của gia đình hiện lên một cách rõ ràng từng đường nét. Một ngôi nhà gỗ nằm bên đường, chênh vênh nơi sườn đồi, trong đám rẫy rộng cả héc ta. Tôi vẫn gọi nó là “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.

Thế đất nơi đây là những quả đồi hình bát úp nối tiếp nhau. Nơi tiếp giáp thấp nhất là dòng suối nhỏ cung cấp nước cho những chân ruộng lúa bậc thang.

Ngày đó, tôi học ở một trường sư phạm xa nhà hàng trăm cây số. Một năm về nhà 3 lần: vào dịp hè, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tết đi cùng mùa khô Tây Nguyên-mùa của nắng, gió và bụi.

Gió thông thốc thổi từng hồi qua căn nhà. Chúng tôi phải dùng giấy dán hoặc tấm bạt ni lông để chắn gió lùa qua khe ván.

Vì là nhà nhỏ nên đồ đạc trong nhà cái gì cũng bé xinh. Bố tôi đóng một cái tủ để đựng quần áo và vài thứ đồ lặt vặt. Hai chiếc bàn tròn xinh xinh bằng gỗ, một chiếc dùng làm bàn ăn, chiếc còn lại để uống nước kê trên nền đất đỏ. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ được một chiếc bàn bố cho từ hồi mới ra ở riêng làm kỷ niệm.

Minh họa: Nguyễn Văn Chung

Minh họa: Nguyễn Văn Chung

Kế bên ngôi nhà là chái bếp nho nhỏ, gọn gàng. Ngày ấy, gia đình tôi còn nấu bếp củi. Ngoài việc hay bị bẩn tay bởi nhọ nồi còn lại đối với tôi, nấu bếp củi vẫn là thích nhất. Thường thì bố tôi chỉ cần đi quanh rẫy một vòng là đã mang về mấy ôm củi, chất dọc bên vách cho khô để dùng dần.

Mùa lạnh, tôi ngồi trong căn bếp nhỏ, nhìn ngọn lửa hồng tí tách reo vui, thấy lòng mình thật ấm áp.

Trên mảnh đất nhỏ chạy dọc theo sườn đồi, nhà tôi trồng một vườn rau để cải thiện bữa ăn, chủ yếu là một số loại rau thông dụng như: cải, xà lách, hành, ngò… Những luống cải cũng được trồng theo kiểu ruộng bậc thang để phù hợp với thế đất.

Học theo cách lấy nước của người dân địa phương, bố đào một cái vũng to hình phễu rộng chừng 2 m, đáy sâu nhất chừng hơn 1 m. Để thuận tiện và giữ gìn cho nước đảm bảo sạch trong, bố bắc 1 ống tre nơi bờ đất cách mặt nước chừng 20 cm để lấy nước. Phía dưới kê vài viên gạch làm chỗ đứng rửa chân. Những ngày về nhà, nhiệm vụ của tôi là xách nước tưới rau vào mỗi buổi chiều.

Đất bazan màu mỡ, hầu như chỉ tưới nước sạch là rau lên mơn mởn. Cái giống rau cải nhanh lớn nhưng cũng nhanh già, nhanh ra hoa. Vì rau nhiều ăn không kịp nên chẳng mấy chốc cả vườn cải nở hoa vàng rực. Sắc vàng của hoa khiến tôi nhớ đến những câu thơ đầy lãng mạn của thi sĩ Nguyễn Bính: “Anh giồng cả thảy hai vườn cải/Tháng Chạp hoa non nở cánh vàng/Lũ bướm láng giềng đương khát nhụy/Mách cùng gió sớm, rủ rê sang”.

Những ngày ở rẫy, chị em tôi chơi với nhau và làm bạn với thiên nhiên. Mùa xuân cũng là lúc ruộng lúa đang thì con gái. Những chân ruộng bậc thang uốn lượn nối tiếp những khoảng xanh chạy mãi xuống tận bờ suối. Thời ấy, tôi cũng chưa hiểu người ta lấy nước lên những chân ruộng ngày càng cao bằng cách gì. Chỉ biết, ô ruộng nào cũng đủ nước cho cây lúa xanh tươi.

Cuộc sống đơn sơ nơi miền cao nguyên ấy đã nuôi lớn chúng tôi thành người. Trong lòng tôi vẫn thầm cảm ơn quê hương thứ hai đã bồi đắp cho tôi tình yêu thiên nhiên, yêu gia đình, yêu cuộc sống. Để bây giờ ngẫm lại mới thấy, đó là vùng ký ức đẹp nhất mãi còn trong trái tim tôi.

Có thể bạn quan tâm