Nhớ những lò bánh xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với loại quà vặt khác thì các loại bánh làm từ bột gạo như: bánh ướt, bánh hỏi được tỉ mẩn tráng, vắt bằng tay bên bếp rực lửa không chỉ đơn giản là món ăn mà còn là cả một nghệ thuật khéo léo của người làm bánh. Thế nhưng, hiện nay nhiều lò bánh có tiếng ở huyện Chư Prông đã không còn đỏ lửa…

Khoảng 5 năm trở lại đây, những lò bánh ướt, bánh hỏi, làm bún thủ công vốn nổi tiếng ở huyện Chư Prông đang dần tắt lửa. Lá bánh nóng hổi làm bằng tay không theo kịp bánh làm bằng máy cả về số lượng lẫn độ dai, độ mềm. Vì vậy, họ quyết định tắt bếp lò, ngày ngày nhập bánh từ các lò bánh máy từ TP. Pleiku về bán.

 

Ảnh: Phương Linh
Ảnh: Phương Linh

Có đến hơn 25 năm gắn với nghề, bánh ướt của bà Mai (58 tuổi, thôn An Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) nổi danh khắp vùng. Cách đây khoảng mười mấy năm thôi, chỉ mới nhắc đến bánh ướt bà Mai, những người dân ở đây như đang thấy miếng bánh mát mềm có vị thanh thanh của bột gạo vừa chín, vị béo béo của dầu phi và mùi thơm lựng của miếng hành khô giòn rụm đang tan ra trong miệng. Mùi bánh ấy trở nên quen thuộc với từng con người bởi mỗi buổi chiều về, khắp xóm làng lại dậy lên mùi thơm nức mũi của hành tím phi dầu, mùi bột gạo chín mềm trên khuôn. Không chỉ vậy, với nhiều đứa trẻ lớn lên ở đây, ngồi xung quanh mâm bánh của bà Mai chờ đón từng cái bánh hỏng để “vừa thổi vừa ăn” còn là một hân hạnh, một niềm vui khó tả.

Anh Lê Thanh Tùng (25 tuổi) nhớ lại: “Vì ở gần nhà bà Mai nên mỗi chiều bà đổ bánh, lũ trẻ chúng tôi lại vội vàng bỏ hết những trò chơi mà vào ngồi xem bà làm, lâu lâu có chiếc bánh chẳng may bị rách, bà để cho chúng tôi ăn, nhiều khi chẳng có chiếc nào hỏng, bà lại lấy những chiếc còn nguyên bỏ sang. Cứ thế, đến lúc bà làm xong mẻ bánh thì lũ trẻ cũng đã lưng lưng bụng”. Bánh ướt bà Mai vì thế mà trở thành một phần tuổi thơ của không ít người ở đây để rồi mỗi buổi sáng sớm, dù ngày mưa hay nắng, người dân ở đây vẫn thường thấy đôi quang gánh bánh ướt tung tẩy trên đôi vai nhỏ bé của bà Mai lên đường ra chợ. Có nhiều người dậy sớm, ra cổng đứng chờ gánh bánh của bà đi qua để mua về, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

Thế nhưng, kể từ ngày chồng bị bệnh, rồi bánh ướt làm bằng máy “lên ngôi”, bà Mai tắt bếp, lấy bánh về bán. “Bây giờ bánh làm bằng máy họ ép bột đều nên bánh mềm và dai hơn, nhiều người thích ăn bánh ấy hơn. Bây giờ tôi cũng lớn tuổi, ngồi lâu không được nữa nên lấy bánh về bán cũng thấy tiện. Mình chỉ lấy bánh, còn hành phi với dầu thì vẫn tự tay làm”-bà Mai bày tỏ.

Cũng có thâm niên gần 20 năm làm bánh ướt, bánh hỏi và cả bún thủ công, nhưng đến nay gia đình ông Đinh Văn Thiệp (68 tuổi, thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng) cũng chỉ còn kiên trì với nghề làm bún. Ngày trước, bánh hỏi ông Thiệp bán chạy nhất vùng bởi bánh vắt tay nhưng rất đều và mềm. Miếng bánh được trộn với dầu phi tạo độ béo vừa phải cùng với mùi thơm của lá hẹ cắt nhỏ trở thành thức ăn sáng quen thuộc của nhiều gia đình. Không chỉ nổi tiếng với nghề làm bánh ướt, bánh hỏi, bún của gia đình ông cũng được nhiều người ưa thích bởi cọng bún đẹp và dai. Ông Thiệp cũng cho biết, khi còn làm bún thủ công, phải giã bột bằng chân, cả ba bốn người cùng giã nhưng cũng chỉ làm được khoảng 20-30 kg bún. Đến khi có máy quay bằng tay thì số lượng bún cũng tăng lên 60-70 kg/ngày. Bây giờ, gia đình ông Thiệp đã có hẳn một dây chuyền làm bún, mỗi ngày làm 2-3 tạ bún, bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.

Hiếm hoi lắm chúng tôi mới tìm ra được lò làm bánh hỏi duy nhất của cô Nguyễn Thị Hạnh (45 tuổi, tổ dân phố 4, thị trấn Chư Prông). Cô Hạnh gắn với nghề làm bánh hỏi mới khoảng 5 năm trở lại đây. Cô đã về tận Bình Định học hỏi. “Không phải ai cũng làm được bánh hỏi ngon vì nó đòi hỏi rất nhiều sự khéo tay và cả kiên nhẫn bởi để có được lá bánh hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn”-cô Hạnh chia sẻ. Bột sau khi xay nhuyễn, được đưa vào máy đánh bột, ép cục rồi lăn bằng cây, tiếp tục đưa vào máy để ép xả lần một cho đều bột, rồi lại tiếp tục lăn cây, cho vào máy ép lần hai rồi vắt thành lá bánh. Mặc dù đã có sự hỗ trợ của giàn máy, nhưng cô Hạnh vẫn tự tay mình vắt từng lá bánh hỏi, xếp gọn gàng lên vỉ hấp vì chỉ có vắt tay, bánh mới mềm mà không bị khô. Kỳ công như vậy nên mỗi ngày, cô Hạnh chỉ làm khoảng 20-30 kg bánh hỏi và hôm nào cũng hết từ sớm. Trung bình, 1 kg gạo thì làm được 2 kg bánh, với giá bán 11.000 đồng/kg thì mỗi ngày cô Hạnh cũng lời khoảng 100.000-150.000 đồng. Thế nhưng giờ đây, vì quá bận bịu với nương rẫy, cô Hạnh cũng đang có ý định thôi không làm bánh hỏi nữa.

Máy làm bánh ra đời giải phóng lao động cho con người, từng miếng bánh ướt, bánh hỏi cũng đều đặn hơn, trắng trẻo hơn nhưng người ăn đã không thể tìm thấy được mùi vị của sự tỉ mẩn, cẩn thận, khéo léo của bàn tay người làm…

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm