Nhọc nhằn bác sĩ tuyến trạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với công tác chuyên môn, các bác sĩ tuyến Trạm Y tế tại các xã, phường còn phải làm công tác quản lý, đảm đương cùng lúc nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Hơn nữa, không chỉ tiếp xúc với người bệnh, các bác sĩ còn là người trực tiếp tuyên truyền, gần gũi để giúp nhân dân chủ động phòng-chống và phát hiện bệnh tật.
 

  Bác sĩ tuyến trạm khám-chữa bệnh cho dân. Ảnh: Phương Linh
Bác sĩ tuyến trạm khám-chữa bệnh cho dân. Ảnh: Phương Linh

Thị xã An Khê có 8/11 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn giai đoạn 2001-2010 và 3 trạm (xã Xuân An, phường An Phước, phường Ngô Mây) được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Trong 11 trạm y tế thì chỉ có 3 trạm có bác sĩ là Trạm Y tế xã Song An, phường Tây Sơn và phường An Phước. Mặc dù còn có những khó khăn nhất định như cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, trình độ dân trí chưa cao,… nhưng dù ở bất cứ vị trí nào, các bác sĩ tuyến trạm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Y sĩ Từ Trọng Thơm công tác tại Trạm Y tế xã Song An (thị xã An Khê) từ năm 2006. Sau đó, ông đi học lớp bác sĩ cử tuyển và về làm Trạm trưởng tại đây cho đến bây giờ. Ông Thơm chia sẻ: “Khi đi học thì tập trung vào chuyên môn, nhưng khi về phụ trách trạm thì làm cả công tác quản lý chung, đồng thời kiêm nhiệm nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế nên cũng gặp không ít khó khăn. Vì ở tuyến trạm, nhân dân chủ yếu đến khám bệnh theo bảo hiểm y tế hay những bệnh đơn giản, dụng cụ khám-chữa bệnh tại cơ sở lại không đầy đủ nên kiến thức chuyên môn cũng mai một dần do không được vận dụng nhiều”. Tuy nhiên, dù không có nhiều cơ hội để áp dụng kiến thức chuyên môn nhưng ông Thơm hay những bác sĩ tuyến trạm khác vẫn tìm được niềm vui, ý nghĩa riêng trong công việc của mình.

Mặc dù theo học bác sĩ đa khoa, định hướng chuyên khoa sản nhưng khi về đảm nhiệm vai trò Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Sơn đến nay, bác sĩ Phạm Thị Mỹ Loan (SN 1965) ít khi được áp dụng chuyên môn của mình. Những năm đầu mới về, trung bình bác sĩ Loan giúp xử lý hơn 100 ca sản mỗi năm, nhưng đến bây giờ chỉ còn lác đác khoảng vài ba chục. “Trình độ dân trí người dân dần được nâng cao cùng với tâm lý lo lắng nên khi có ca bệnh nặng, họ ít khi tìm tới trạm y tế mặc dù tại đây cũng có bác sĩ chuyên môn. Từ đó tôi cũng khá hụt hẫng vì kiến thức của mình đang dần bị lụi đi nhiều”-bác sĩ Loan tâm sự. Nhưng bác sĩ Loan nhanh chóng tìm được niềm vui của mình bởi không chỉ trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, giúp họ chữa bệnh, bác sĩ Loan còn có dịp gặp gỡ với bà con để gần gũi, chuyện trò, đồng thời tuyên truyền cho họ hiểu và biết cách phòng những căn bệnh thông thường, cách phát hiện sớm những biểu hiện của nhiều căn bệnh khác. Mỗi lần trạm có chiến dịch khám bệnh hay tiêm chủng mở rộng, trên mỗi phiếu phát cho người nhà, bác sĩ Loan đều ghi số điện thoại của mình để khi trở về, bệnh nhân có thắc mắc gì đều có thể gọi để được tư vấn thêm.

“Vì nhiệm vụ của mình chủ yếu là công tác cộng đồng nên dù ở đâu mình cũng giúp cho người dân, hết lòng với người bệnh thì dù có khó khăn thế nào cũng chịu được. Có nhiều lần, sau khi tiêm chủng cho các cháu xong, tôi trả lời liên tục các cuộc gọi từ cha mẹ của trẻ để giải thích những biểu hiện sau tiêm. Cho dù mệt nhưng như vậy thấy việc mình làm ý nghĩa lắm”-bác sĩ Loan chia sẻ.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Khê cho biết: “Là một trong những tiêu chí để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã nhưng rất khó để đảm bảo mỗi trạm có một bác sĩ phụ trách. Tuy nhiên, Trung tâm cũng như Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê cũng cố gắng hỗ trợ tăng cường bác sĩ xuống cơ sở 3 ngày/tuần (6 bác sĩ cho 6 trạm) để đảm bảo nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần các bác sĩ làm việc tại các trạm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý cũng như chuyên môn của mình”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm