Phóng sự - Ký sự

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 3: Nghề đá bạc như vôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Làm đá, tối chưa thấy chồng về thì vợ phải điện thoại mới biết chồng còn sống. Nghề đá chẳng cần đầu tư gì, chỉ đầu tư cái mạng mình. Đá bạc như vôi, nhưng không leo lên núi thì làm gì để sống?"

Leo thang lên cao để khoan đá, nổ mìn ở mỏ đá Yên Định, Thanh Hóa - Ảnh: TÂM LÊ
Leo thang lên cao để khoan đá, nổ mìn ở mỏ đá Yên Định, Thanh Hóa - Ảnh: TÂM LÊ
... Những lời gan ruột của cha con phu đá Đỗ Đăng Chung và Nguyễn Đăng Định cứ mãi ám ảnh tôi...
Sinh ra ở núi đá, nên bám đá mà sống
Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Chung nằm trong vùng núi đá thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa), nơi "sáng ngủ dậy núi đã đầy trong mắt". Đây là một trong những khu vực khai thác đá có cường độ lớn, giáp ranh với huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy thành một tam giác. Một quả núi ba huyện cùng khai thác.
Đá núi cho người dân nghèo chén cơm manh áo và chuyện học hành của con cái. Nhưng đá núi cũng lấy đi nhiều thứ và có những mất mát không bao giờ lấy lại được: mạng người. Trước kia trai gái, già trẻ trong làng đều mưu sinh ở núi đá. Bây giờ phần lớn chỉ nam giới, trụ cột trong gia đình.
Nhà ông Chung cũng "đóng góp" 3 người vào núi đá, gồm ông, con trai và con rể, nhưng người con trai đã gặp nạn và ra đi ở tuổi 18. "Mỗi lần đùa vui mà nhìn thấy ảnh thờ con lại rớt nước mắt. Thằng con út tôi quyết không cho đi làm nghề đá nữa. Đá núi đã cướp đi của tôi một đứa con rồi" - ông Chung chùng giọng tâm sự.
Bà Vi, vợ ông Chung, lấy chiếc ảnh chân dung nhỏ của con trai ra lau bụi, nghẹn ngào: "An sinh năm 1992, mất khi đang điều khiển xe tải trong công trường khai thác đá. Chiếc xe cẩu nhả đá trượt, nó không nhả vào thùng xe mà nhả vào đầu xe, An bị bẹp trong buồng lái". Người mẹ kể An là cậu bé ngoan, sinh thứ hai trong gia đình ba chị em. 
Bà Vi buồn vì gia đình hoàn cảnh nên cho con đi làm sớm, nhưng bà cũng trách ông chủ mỏ đá: "Làm không có trách nhiệm chi cả, không có giờ giấc chi. Đáng nhẽ 2 giờ chiều mới làm mà 12h30 đã gọi con tôi đi rồi". Hôm đó chỉ một mình An bị nạn, nhưng cũng mỏ đá ấy chỉ một tuần sau lại có người bị đá nghiền nát toàn thân.
Ông Chung tựa đầu ra thành ghế, thở dài: "Bà nhà tôi bị hoảng loạn mất 3 năm, bây giờ chỉ cho làm việc nhẹ thôi. Nhắc chuyện cũ là dễ xúc động, giờ còn lo cho cả tôi và thằng con rể nữa, nghĩ cũng tội. 
Hôm nào thấy tôi đi làm về muộn bà ấy gọi điện ngay, bảo phải gọi cho yên tâm. Tôi năm nay cũng gần 60 tuổi rồi, kinh tế gia đình còn chật vật, ở nhà không có việc gì làm nên vẫn phải lên núi thôi. Người dân ở đây đều làm đá, không làm đá khoan thì làm đá xẻ, rồi làm máy xúc, làm gì cũng liên quan đến đá hết".
"Nhưng bây giờ có máy móc hiện đại rồi, đỡ vất vả hơn xưa?" - tôi hỏi. Ông Chung lắc đầu: "Bây giờ còn nguy hiểm hơn ngày xưa ấy, vì khai thác hết bên ngoài chân núi rồi, giờ vào sâu bên trong, núi càng cao hơn, khó khai thác hơn".
Hiện ông Chung đang tạm nghỉ việc để dựng nhà cho gia đình con trai út. Tính thời gian làm đá hơn 20 năm của mình, ông không nhớ rõ có bao nhiêu lần nghỉ rồi lại quay lại nghề đá. "Chắc phải đến 15 lần" - ông nhẩm tính.
Ông nghỉ vì thay đổi chỗ lương thấp qua chỗ đỡ hơn, nghỉ vì nghề nguy hiểm. "Tôi chỉ sứt chân tay, nhưng "đồng đội" tôi thì chết ngay trước mắt" - ông nói. Lần nghỉ dài nhất của ông khoảng một năm, khi quyết định bỏ nghề đá về đầu tư trang trại nuôi gà, lợn nhưng cuối cùng dịch bệnh bị thua lỗ, nợ ngân hàng hơn 100 triệu.
Vùng đấy, dân cấy lúa chỉ đủ ăn vì diện tích ít, lại sỏi đá khô cằn. Có người bỏ làm đá để làm thợ xây, phụ hồ, làm thuê. Tuy nhiên, những công việc này cũng vất vả, không ổn định, lương lại thua nghề đá, nên nhiều người lại quay quắt về nghề cũ. "Ai cũng sợ chết, nhưng khó bỏ nghề đá, chén cơm manh áo mà" - ông Chung thở dài.

Phu đá làm việc trên độ cao cheo leo nguy hiểm ở Yên Định, Thanh Hóa - Ảnh: TÂM LÊ
Phu đá làm việc trên độ cao cheo leo nguy hiểm ở Yên Định, Thanh Hóa - Ảnh: TÂM LÊ
Chỉ cần đầu tư cái... mạng mình!
Anh Nguyễn Đăng Định 37 tuổi, con rể ông Chung, thâm niên 15 năm trải nghề cũng chua xót thừa nhận: "Làm đá chẳng cần đầu tư cái gì, chỉ cần đầu tư cái mạng mình!".
Ba cha con làm ba công ty khác nhau, anh Định làm công ty lớn nhất nhì khu núi đá. Công việc lái xe tải những năm đầu rất "ăn khách", anh được ông chủ trọng dụng. Ngoài lái xe tải, lúc bí người, họ còn điều anh sang lái máy xúc, máy ủi.
Vừa vào công ty một tháng, anh Định đã được ký hợp đồng, bảo hiểm, chế độ mà một công nhân như anh ở khu núi đá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tháng anh đóng bảo hiểm 500.000 đồng, nhưng lại không được cầm một giấy tờ nào, cả hợp đồng lao động và bảo hiểm.
"Ngày chưa lấy vợ tôi không lo, nhưng giờ muốn đóng cho vợ con được hưởng một chút. Vì làm đá không biết sống chết lúc nào" - anh Định phân trần. Anh còn đóng bảo hiểm cả cho hai đứa con tới năm 18 tuổi. "Bảo hiểm họ cũng ngạc nhiên, rồi họ tìm hiểu biết mình làm ở mỏ đá, rủi ro cao nên họ trừ một số điều khoản không cho mình hưởng".
Tâm sự nghề hiểm nguy, anh Định kể chuyện đứt tay chân, giập ngón là quá bình thường, ai làm đá hầu như cũng bị, không đáng để nói vì quá quen rồi. Cho nên anh hay đùa ra nước mắt với vợ rằng sống đến lúc nào hay lúc đó, ăn được cái gì cứ ăn đi.
"Tôi suýt chết mấy lần rồi, một lần chạy đằng trước thì đá lùa đằng sau. Lần khác thì tôi chỉ biết đứng nhìn thôi, chứ không biết đường nào mà chạy, may mà đá không đổ trúng mình. 
Một lần tôi biết đá "cựa", ăn nhau kinh nghiệm là chỗ đó, tôi gọi anh em ra, khoảng một tiếng sau là đá nó đổ ụp xuống. Số người chết hằng năm nhiều. Ngõ nhà tôi có 5 nhà, thì 3 nhà có người chết vì đá. Tai nạn núi đá thường là chết hẳn, chết không toàn thây, đau đớn lắm" - anh nghẹn giọng.
Nghe tôi hỏi sao không chọn nghề khác cho bớt rủi ro, người đàn ông có gương mặt chai sạm như đá núi này trải lòng ở quanh vùng này, chỉ nghề đá mới cho thu nhập tốt và có việc làm quanh năm. 
Làm ruộng thì không thể đủ trang trải lúc bệnh tật, dựng cái nhà cái cửa. Cuộc sống sẽ chật vật. Làm thuê nghề khác như phụ hồ thì lương cũng hụt trước thiếu sau. Trong khi đó, việc làm thuê ở mỏ đá có thể được trả 300.000 - 400.000 đồng mỗi ngày.
Biết nghề đá bạc như vôi, lắm nguy hiểm rình rập, nhưng họ đành phải làm vì chén cơm manh áo...
Bị tai nạn, rồi lại về với đá
"Năm tôi bị tai nạn, chủ mỏ đền 15 triệu rồi cắt liên lạc, trong khi điều trị hết hơn 150 triệu. Vợ tôi phải chạy vay anh em, họ hàng. Trong khi vợ vừa sinh chưa có việc làm, con còn nhỏ, mẹ thì đau ốm.
Thế là vết thương chưa bình phục hoàn toàn, tôi lại tìm đến mỏ đá" - anh Nguyễn Duy Thắng, một phu đá ở xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) kể. Anh Thắng bị tai nạn trong lúc đang khoan, chịu nhiều di chứng, nhưng may mắn là trong số rất ít người thoát chết khi rơi từ độ cao 30m.
Nham Kênh chỉ cách "vựa đá" Hà Nam một con sông. Người làng không nhớ nổi bao phận đời có miếng cơm gắn liền với bãi đá và cũng chẳng thể nhớ nổi bao nhiêu người nằm lại vách đá bên sông.
Kỳ tới: Xóm đá, phận người
TÂM LÊ - VŨ TUẤN (TTO)

Có thể bạn quan tâm