Nhọc nhằn nghề nhặt phế liệu công trình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- HNhưi-vợ của Pip nói: “Nhà nghèo quá, không nghề nghiệp ổn định mới đi nhặt phế liệu, tội lắm!”. Anh Quý-chủ thầu phá dỡ công trình thì cười: “Pip là “chủ thầu” sắt phế liệu công trình, chẳng đùa đâu”. Thế nhưng với tôi, trong những nghề lao động phổ thông, đây là cái nghề nặng nhọc và nguy hiểm quá!
 

Phá dỡ nhà cũ để nhặt phế liệu. Ảnh: Đ.P

Dưới cái nắng chang chang, đứng chênh vênh trên tường cao, Pip lúc thì ghìm cả thân người dí mũi khoan bê tông vào tấm sàn sê nô, khi thì quai chiếc búa tạ vào trụ tường vừa đổ để bóc tách những khối vữa ra khỏi lớp sắt thép. Bên cạnh, chiếc xe chuyên dụng gầm lên từng hồi, xả khói đen kịt giơ “cánh tay” kéo đổ từng mảng tường, cạp xà bần cho vào chiếc xe tải. Chen chân trong khoảng không gian chật hẹp, bụi mù, lởm chởm gạch đá, Pip vẫn quai búa, dí mũi khoan. Được cọng sắt thép nào, HNhưi đến nhặt, dồn lại một chỗ, mắt sáng lên niềm vui.

HNhưi (SN 1981) cưới Pip (SN 1982) người cùng  làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku từ 15 năm trước, đã có với nhau 3 đứa con. “Bố mẹ hai bên nghèo lắm, ngày bé không được đi học; lớn lên không có ruộng đất cho nên chỉ biết làm thuê kiếm sống thôi. Mùa nắng thì đi mót phế liệu công trình, chồng đâu vợ đó; mùa mưa chồng đánh bắt cá mang về cho vợ bán”-HNhưi kể.

Pip khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên nhiều chủ thầu phá dỡ công trình biết đến. Trước khi dùng đến xe cơ giới, họ liên hệ với Pip, anh gọi thêm người anh em nhận việc bóc mái, dỡ xà gồ, khung ngoại cửa… được trả công 250 ngàn đồng/ngày/người. Làm tốt được chủ nhà thưởng thêm tiền, cho vật dụng cũ mang về hoặc bán lấy tiền chia nhau. Phần sắt thép lẫn trong công trình phá dỡ, thứ bỏ đi là của Pip. Công trình nhỏ, chỉ có vợ chồng quần quật làm từ sớm đến tối mịt nhặt nhạnh tất cả những gì có thể bán được nằm giữa lớp bê tông cứng như đá. Công trình lớn, để kịp tiến độ giao trả mặt bằng, Pip thuê thêm người, cũng trả công 250 ngàn đồng/ngày. Vợ chồng Pip làm việc cật lực dưới nắng nóng, mỗi ngày cũng kiếm được chừng 500 ngàn đồng chứ chẳng hơn.

Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, không ít công trình cũ phá bỏ để xây mới nhưng “đội quân” mót sắt phế liệu công trình không phình thêm, bởi giá phế liệu nhiều năm gần đây rớt thê thảm. Nếu cách đây vài năm, sắt phế liệu ở mức 4.000-4.500 đồng/kg thì nay chỉ còn 3.000-3.500 đồng/kg, trong khi đó giá cả sinh hoạt lại tăng gấp mấy lần. Nghề mót sắt phế liệu công trình quá nặng nhọc, độc hại lại rình rập nguy hiểm nên những ai có điều kiện hoặc ngại khó đều lắc đầu ngán ngẩm. Trong lúc dừng tay uống ly nước đá mát lạnh chủ nhà mang đến, Pip tâm sự: “Cũng nhờ cái nghề vất vả này mà chúng em xây được ngôi nhà riêng dù nhỏ, có cái nuôi 3 đứa con ăn học. Nhiều lúc công việc gấp rút, cần thêm người, tìm được đàn ông trong làng đi làm cùng rất khó vì họ sợ không đủ mồ hôi cho nắng nóng, đủ hơi thở cho quai búa, bụi bặm. Người ta là thế, chứ vợ chồng em, ơn trời, nguồn phế liệu vẫn chưa cạn, chứ bây giờ giải nghệ thì biết làm gì để sống”.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm