(GLO)- Trong 10 năm (2002-2012), theo số liệu khảo sát của Sở Tư pháp, toàn tỉnh có 1.118 vụ tảo hôn nhưng không thể buộc chấm dứt tình trạng hôn nhân thực tế. Thực trạng này đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến nòi giống cũng như nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh ta.
Qua tìm hiểu, làng Bông Bim, xã Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) vài năm trở lại đây trở thành “điểm nóng” về nạn tảo hôn. Bông Bim là làng khó khăn của xã Đak Jơ Ta, với 272 hộ, 1.211 nhân khẩu. Làng chỉ cách trung tâm huyện Mang Yang gần 8 km, nhưng trình độ dân trí nơi đây vẫn còn thấp, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng diễn ra khá phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nạn tảo hôn gia tăng.
Tuyên truyền để trẻ vị thành niên không kết hôn trước tuổi. Ảnh: Thanh Long |
Trao đổi với ông Ui, Công an viên làng Bông Bim, được biết, trung bình mỗi năm làng có khoảng 3 đến 4 cặp tảo hôn; hầu như trong làng các cặp lấy nhau đều từ 15 đến 16 tuổi. Vợ chồng em Khan là một ví dụ. Khan mồ côi cha mẹ khi mới 13 tuổi. Khan được Khiêm đồng ý lấy làm vợ, nên hai người đã dọn về ở cùng nhau, sinh con được 3 tuổi rồi mà vẫn chưa có tiền làm đám cưới để mời bà con, họ hàng và dân làng .
Địa bàn xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) cũng là điểm nóng về nạn tảo hôn hiện nay. Anh Nay Gun-cán bộ Tư pháp xã Ia Hrú, cho biết: “Hàng năm, trên địa bàn xã có khoảng 30 cặp tảo hôn. Các cặp vợ chồng ở đây lấy nhau nếu tính độ tuổi, nữ đều chưa đủ 18, còn nam cũng chỉ 17 hoặc 18 tuổi. Nói thêm về vấn đề này, chị Siu H’An-cộng tác viên dân số ở làng Dư, xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) cũng cho biết: Các cặp tảo hôn, chủ yếu là học đến lớp 5, 6 rồi bỏ học ở nhà lấy chồng khi mới 15, 16 tuổi. Nguyên nhân của vấn đề này là do nhận thức của người dân còn thấp và bị chi phối theo phong tục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp kết hôn tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút không thông qua chính quyền cơ sở. Hầu như ở làng đồng bào dân tộc thiểu số nào trên địa bàn tỉnh ta cũng có tình trạng kết hôn trước tuổi, song không thể đưa ra con số thống kê chính xác. Theo theo số liệu khảo sát của Sở Tư pháp, trong 10 năm (2002-2012), toàn tỉnh có 1.118 vụ tảo hôn nhưng không thể buộc chấm dứt tình trạng hôn nhân thực tế. Đặc biệt là tảo hôn ở trẻ vị thành niên vẫn tăng hàng năm. Hệ lụy của những cặp vợ-chồng cưới nhau ở độ tuổi 15, 16, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì sẽ lại là đói nghèo, con cái sinh ra còi cọc. Bố mẹ chưa trưởng thành nên ý thức và kinh nghiệm chăm sóc con cái cũng vì thế mà rất hạn chế.
Qua điều tra, khảo sát cho thấy, hiện chế tài xử lý tảo hôn (dù luật đã quy định) chưa được cụ thể, đồng bộ, chưa có văn bản hướng dẫn mà chỉ phụ thuộc vào hương ước, quy ước của thôn, làng. Việc đăng ký kết hôn muộn hiện chỉ dừng ở mức độ cảnh cáo bằng lời nói, nhắc nhở, xử lý hành chính mà thôi. Việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Mặt khác, mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh và sơ sinh. Theo thống kê của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, phụ nữ mang thai ở độ tuổi dưới 19 và trên 35 tuổi, tỷ suất chết mẹ là 58 ca/1.000.000 ca đẻ sống, và trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2.500 gam) chiếm 4,16% và trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 24,8%.
Trao đổi với P.V, bà Đinh H’Nghĩa-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Việc xây dựng và triển khai mô hình can thiệp nhằm loại bỏ hoặc thay đổi tập quán lạc hậu về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. Điều này góp phần quan trọng và trực tiếp cải thiện chất lượng giống nòi, nâng cao chất lượng dân số. Bà H’Nghĩa cho biết thêm, hiện tỉnh ta đang triển khai mô hình “Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết” tại 20 xã, thị trấn thuộc các huyện: Ia Pa, Chư Pưh, Mang Yang, Kông Chro và Ia Grai. Ngoài mục đích góp phần giảm nhanh tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống của người dân tại địa bàn các xã triển khai, việc triển khai mô hình còn giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, bệnh tật... do hậu quả của việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, mô hình sẽ làm giảm tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ; giảm chi phí và thời gian nghỉ lao động với lý do thai sản, từ đó góp phần thực hiện tốt hơn chính sách dân số.
Đinh Yến-Thanh Long