Nhức nhối tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở nhiều vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó nhức nhối nhất là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Những năm qua, dù chính quyền và các ban, ngành liên quan đã nỗ lực tuyên truyền nhằm giảm thiểu, ngăn chặn nhưng đến nay thực trạng này vẫn tồn tại dẫn đến nhiều hệ lụy.

Những câu chuyện buồn

Lấy chồng năm 2011 khi vừa tròn 17 tuổi, Siu Nhóe (thôn Bah Leng, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đang là mẹ của đứa trẻ 4 tuổi. Điều đáng nói, Nhóe và chồng là Rơ Mah Oang lại là chị em cô cậu. Mẹ đẻ của Nhóe là chị ruột của bố đẻ Oang.

 

Siu Nhóe (trái) bên con và mẹ của mình. Ảnh: Đ.Y
Siu Nhóe (trái) bên con và mẹ của mình. Ảnh: Đ.Y

Bà Rơ Mah HNgan-mẹ đẻ của Siu Nhóe, thừa nhận: “Con gái mình đến tuổi thì lấy chồng. Thấy hai đứa tìm hiểu nhau, yêu nhau nên bố mẹ không phản đối, mình cũng biết là con chị lấy con em nhưng vẫn cho lấy. Mình nghĩ không sao cả, vì khác họ”.

Chúng tôi hỏi: “Siu Nhóe biết hai vợ chồng là anh em không?”. Siu Nhóe trả lời: “Mình biết vợ chồng mình có mối quan hệ gần với nhau, nhưng thương nhau rồi thì biết làm sao. Mình cũng nghĩ, cứ khác họ là không ảnh hưởng gì, bây giờ sinh con ra, con còi cọc hay đau ốm thế này mình mới hiểu”. Con trai Nhóe hiện đang bị suy dinh dưỡng, thiếu cân và thường xuyên đau ốm. “Chăm sóc con khó lắm. Nó cứ ốm miết, mỗi tháng đi bệnh viện một lần mà vẫn không khỏi”-Siu Nhóe than thở. Hơn nữa, hai vợ chồng cưới nhau hơn 5 năm, đã mấy lần mang thai nhưng mới chỉ một lần sinh con.

Những câu chuyện buồn như chuyện vợ chồng Siu Nhóe và Rơ Mah Oang hiện nay vẫn không phải là hiếm. Không chỉ ở xã Ia Ma Rơn mà ở xã Ia Trôk (huyện Ia Pa), cách đây chừng một tháng, em Rơ Châm HUk (SN 2002, đang là học sinh lớp 8), bỏ học lấy chồng là Ksor Âu (SN 1999, ở buôn Tông Sê). Không chỉ kết hôn chưa đúng độ tuổi mà điều đáng nói là Uk và Âu lại là chị em cô cậu. Bố đẻ của Âu là em trai của mẹ đẻ Uk. Với cuộc hôn nhân cận huyết này, Âu thường ngày gọi mẹ Uk là bác ruột, giờ chuyển sang là mẹ vợ. Cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra nhưng điều đáng nói là rồi đây những đứa con của Uk và Âu được sinh ra sẽ ra sao?

Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở huyện Ia Pa mà ở hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2010 đến tháng 6-2015 toàn tỉnh có 68.628 cặp vợ chồng, trong đó, số cặp vợ chồng tảo hôn là 4.406 cặp (1.504 cặp cả vợ, chồng chưa đến tuổi kết hôn; 2.902 cặp chỉ có vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi kết hôn); 360 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống (trong đó có 165 cặp tảo hôn và 195 cặp không tảo hôn).  

 Bà Vũ Thị Hiền-Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp) nhận định: “Thực tế cho thấy, phần lớn những cặp vợ chồng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống thường có kinh tế khó khăn, con cái của họ khi sinh ra dễ mắc bệnh tật và để lại nhiều gánh nặng, hệ lụy cho gia đình, xã hội”.

Nỗ lực giảm thiểu

Từ năm 2010 đến 2015, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã triển khai  mô hình “Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 5 huyện: Mang Yang, Chư Pưh, Ia Pa, Kông Chro và Ia Grai. Từ mô hình này, các huyện đã thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về những nguyên nhân, tác hại của hôn nhân cận huyết. Đồng thời, tổ chức khảo sát ở một số xã trọng điểm ở những hộ gia đình kết hôn cận huyết và tảo hôn. “Qua kết quả khảo sát ở một số hộ gia đình kết hôn cùng huyết thống, chúng tôi đã gặp nhiều đứa trẻ còi cọc, trẻ sinh ra chết đột ngột, bại não…”-bà Đinh HNghĩa-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ, cho biết.

Song, mô hình trên mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền là chính nên việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn chưa đạt kết quả cao. Ngày 14-4-2015, Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ/TTg phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Theo đó, tỉnh ta là một trong 15 tỉnh, thành phố trong cả nước được chọn triển khai đề án, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Điều 5-Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về trường hợp cấm hết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Còn đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng và duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật khi chưa đủ tuổi kết hôn (gọi là tảo hôn) thì bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm (theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn).

Ngày 17-12-2015, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án trên địa bàn 8 huyện. Trên cơ sở đó, ngày 26-5-2016, UBND tỉnh đã ra quyết định phân bổ kinh phí 200 triệu đồng cho 8 huyện chọn thực hiện đề án trong năm 2016. Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Lý-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị thực hiện đề án. Trên cơ sở đó, năm 2016, chúng tôi chọn huyện Kbang để thực hiện điểm. Trước mắt, huyện thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện do lãnh đạo UBND huyện làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực là Trưởng phòng Dân tộc và thành viên là đại diện các phòng, ban có liên quan… Tại huyện Kbang thì chọn xã Krong để triển khai điểm. Qua một năm thực hiện, nếu mô hình đạt kết quả, chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh”.  

Cụ thể, mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; trên 90% cán bộ công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa- xã hội được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông. Giảm bình quân từ 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.  Để thực hiện mục tiêu nêu trên, đề án đã có những giải pháp cụ thể là đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp; nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong, ngoài nước; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số…

Tuy nhiên, theo bà Lý, muốn ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ tình trạng trên, thì rất cần sự quan tâm về kinh phí, đồng thời “truyền thông phải sát với tình hình thực tế của đồng bào, tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện, mới hy vọng giảm thiểu và đẩy lùi tình trạng này”-bà Trần Thị Lý nhấn mạnh.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm