Những Bí thư chi đoàn năng động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội thi “Bí thư chi đoàn giỏi” khối THPT năm học 2013-2014 lần thứ nhất đã khép lại nhưng dư âm về một sân chơi sôi nổi, hào hứng với nhiều gam màu sinh động đã được các Bí thư chi đoàn của 35 trường THPT trong tỉnh khắc sâu như một kỷ niệm đẹp trong quãng đời học sinh.

Hiến kế xây dựng Đoàn

Một trong những phần thi quan trọng nhằm đánh giá năng lực hoạt động thực tiễn và tính sáng tạo của một Bí thư chi đoàn là “Hiến kế xây dựng Đoàn”. Anh Đỗ Duy Nam-Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn đánh giá: “Chúng tôi rất bất ngờ ở phần thi Hiến kế xây dựng Đoàn khi có nhiều bài thể hiện được những ý tưởng rất hay và thiết thực, phù hợp với môi trường nơi các em đang sinh hoạt. Nhiều em đã đưa ra được những biện pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong sinh hoạt Đoàn rất hiệu quả”.

 

Phần thi năng khiếu sôi nổi và hấp dẫn. Ảnh: Nguyễn Giang

Một trong những hiến kế xây dựng Đoàn được Ban giám khảo đánh giá xuất sắc là của Siu Lok-Bí thư chi đoàn 10A4, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện) với đề tài: Một số biện pháp khuyến khích đoàn viên thanh niên người dân tộc thiểu số năng nổ, tự tin hơn trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên tại Đoàn cơ sở. Siu Lok đã nêu lên cụ thể những rào cản về ngôn ngữ, phong tục, lối sống, điều kiện kinh tế gia đình đã khiến không ít các đoàn viên thanh niên người dân tộc thiểu số ngại tiếp xúc, thường chỉ chơi theo nhóm nhỏ trong cộng đồng…

Từ đó, Siu Lok đưa ra những giải pháp thiết thực như: tạo điều kiện cho tất cả các đoàn viên thanh niên trong chi đoàn gần gũi, rút ngắn khoảng cách, xóa bỏ ranh giới bằng các hoạt động sinh hoạt tập thể, tổ chức các trò chơi, cuộc thi hỏi đáp về phong tục, tập quán của các dân tộc ở Tây Nguyên; tổ chức nhiều hơn các hoạt động “Mùa hè tình nguyện”, “Mùa Xuân tình nguyện” để tạo điều kiện cho các bạn đoàn viên thanh niên tới thăm, tặng quà cho các gia đình khó khăn trong làng, từ đó có cái nhìn chân thực và thấu hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số… Những hoạt động này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các đoàn viên thanh niên, giúp các bạn đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số giảm dần sự tự ti, rụt rè để hòa đồng vào tập thể.

Ngoài ra, còn nhiều hiến kế khác được Ban Giám khảo đánh giá cao như: đề tài “Tăng cường tổ chức tham vấn cho đoàn viên thanh niên tại các trường THPT” của Trần Thị Ngọc Huyền-Bí thư chi đoàn 12B, Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang), “Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn” của Tạ Thị Khánh Linh-Bí thư chi đoàn 10C2B, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku)…

Ứng xử đẹp

Phần thi ứng xử của các Bí thư chi đoàn đã khiến Ban giám khảo và những người theo dõi hội thi phải trầm trồ và dành cho các thí sinh những lời khen ngợi khi các em có những cách ứng xử đẹp, thông minh và nhạy bén trước các tình huống khó, gặp phải trong quá trình học tập và sinh hoạt Đoàn.

 

Bạn Rơ Châm Nhanh nhận giải nhất từ Ban tổ chức. Ảnh: Nguyễn Giang

Bạn Trần Thị Mỹ Trinh-Bí thư chi đoàn 12A, Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang) đã rất khéo léo xử lý tình huống: Là một Bí thư chi đoàn mới được bổ nhiệm, nhưng các đoàn viên thanh niên trong chi đoàn không thích cách làm việc của bạn, bạn sẽ xử lý thế nào? Mỹ Trinh đã thuyết phục Ban giám khảo bằng cách ứng xử nhẹ nhàng và tinh tế: “Đầu tiên em sẽ để các bạn góp ý về cách làm việc của em và tự em cũng sẽ xem xét lại cách làm của mình. Sau đó, em sẽ tìm hiểu xem người tiền nhiệm có phương pháp gì hay, nhận được sự ủng hộ của các bạn đoàn viên thanh niên, phương pháp nào chưa hay, bị các bạn phản đối… Từ đó, em sẽ nhìn nhận được thực trạng sinh hoạt hiện tại của chi đoàn mình. Trong buổi họp Đoàn, em sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến của các bạn, chọn lọc những góp ý hay và phân tích loại bỏ những ý kiến tiêu cực, không mang tính chất xây dựng Đoàn vì trong chi đoàn không phải bạn nào cũng tích cực trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn. Em sẽ chọn cách làm nhận được sự ủng hộ của số đông, số ít phản đối có thể là những bạn không mặn mà với sinh hoạt Đoàn nên em sẽ chọn những phương pháp khác…”.

Còn Lê Hoàng Linh-Bí thư chi đoàn 11C3, Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) lại gặp phải tình huống: Đang là một Bí thư chi đoàn rất năng nổ, nhiệt tình nhưng ba mẹ lại muốn bạn không tham gia sinh hoạt Đoàn nữa để tập trung cho việc học vì đã là năm cuối cấp. Bạn sẽ làm thế nào? Hoàng Linh đã chọn cách ngồi nói chuyện nghiêm túc với ba mẹ, giải thích cho ba mẹ hiểu các hoạt động Đoàn sẽ giúp mình tự tin, vững vàng bước vào đời. Các kỹ năng sống mà tổ chức Đoàn rèn luyện sẽ là hành trang quý báu để bản thân mỗi người có một cuộc sống tự lập. Khẳng định với ba mẹ việc tham gia sinh hoạt Đoàn sẽ không ảnh hưởng đến việc học mà còn giúp em có một môi trường học lành mạnh và hiệu quả hơn…

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm