Xã hội

Gia đình

"Những bông hoa đẹp" ở Binh đoàn 15

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Binh đoàn 15 hiện có gần 6.000 chị em phụ nữ làm việc ở các vị trí, lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn đều phải thức dậy từ nửa đêm để khai thác mủ cao su hay giữ trẻ. Rất nhiều người trong số họ xứng đáng là những tấm gương phụ nữ “2 đảm”, không chỉ giữ gìn hạnh phúc, phát triển kinh tế gia đình mà còn đóng góp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. 
Tiếng chuông báo thức reo vang lúc nửa đêm cũng là thời điểm bắt đầu một ngày làm việc mới của các hộ công nhân Đội 12 (Công ty 75) và công việc đầu tiên của những gia đình có con nhỏ là đưa trẻ đến trường. Chị Ksor H’Dứk đã quen với công việc đón các cháu từ 0 giờ sáng trong suốt 14 năm làm giáo viên điểm trường Đội 12, Trường Mầm non Sao Mai (Công ty 75). Để các cháu có nơi ngủ sạch sẽ, ấm áp, chị phải dậy từ 11 giờ đêm để làm công tác chuẩn bị. Công việc vất vả là vậy nhưng tình yêu thương con trẻ đã giúp chị có nghị lực, sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Làm công việc này không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của người giáo viên mà còn cần có tình yêu thương, đức hy sinh của một người mẹ. Nhiều đêm, các cháu tuổi mẫu giáo quấy khóc, đòi hơi ấm của mẹ. Những lúc như thế, tôi phải nằm sát và ôm các cháu vào lòng để vỗ về”-chị H’Dứk chia sẻ.
Để hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng, năng suất vườn cây được giao khoán, một công nhân khai thác mủ cao su của Binh đoàn 15 phải cạo được tối thiểu 400-500 cây mỗi đêm. Nữ đội trưởng duy nhất của Binh đoàn-Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Hồ Thị Hoa (Đội 2, Công ty 75) hàng đêm vẫn thức cùng công nhân, người lao động. Chị đi đến từng lô cao su để động viên mọi người, kiểm tra, uốn nắn từng đường cạo. Nhờ đó, đội sản xuất phần lớn là lao động nữ mà chị phụ trách nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 100% hộ gia đình đã thoát nghèo, có đời sống khá giả. Chị Hoa tâm niệm: “Người thủ lĩnh của đội phải là chỗ dựa vững chắc cả về kiến thức, chuyên môn, kỹ năng sống và tinh thần cho công nhân, người lao động, nhất là chị em phụ nữ. Để làm được điều đó, bản thân phải gương mẫu trong lời nói và việc làm, tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những công nhân, người lao động gặp khó khăn”.
Chị Rơ Lan H’Blơn (công nhân Đội 9, Công ty 74) tham gia hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su. Ảnh: N.A.S
Hơn 16 năm qua, chị Rơ Lan H’Blơn bền bỉ với công việc khai thác mủ cao su ở Đội 9 (Công ty 74). Từ chỗ thiếu ăn, với quyết tâm không cam chịu đói nghèo và tinh thần lao động sáng tạo, gia đình chị đã trở thành hộ khá giả. Ngoài nhận khoán chăm sóc, khai thác hơn 3 ha cao su của Công ty, gia đình chị còn trồng 4 ha điều, cao su, cà phê cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Chị H’Blơn cho hay: “Không có việc gì khó hết, chỉ có những việc mình chưa biết, chưa làm mà thôi. Vì vậy, làm việc gì cũng phải có quyết tâm cao, phải không ngừng học hỏi những người đi trước, học cấp trên, đồng nghiệp và qua sách báo, ti vi…”. Chính tinh thần ham học hỏi ấy đã giúp chị H’Blơn sớm vượt qua những bỡ ngỡ trong công việc để trở thành một người thợ lành nghề. Chị được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 74, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 và Bộ Quốc phòng tặng nhiều giấy khen, bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; là cá nhân xuất sắc trong cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Ở Binh đoàn 15 còn rất nhiều tấm gương phụ nữ đảm đang như các chị: Hồ Thị Hoa, Ksor H’Dứk, Rơ Lan H’Blơn mà chúng tôi không thể kể hết. Dù cương vị công tác, nhiệm vụ khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung, đó là sự  đảm đang, hết mình vì đồng đội, đơn vị. Những phong trào, mô hình như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình”, “Vì phụ nữ và trẻ em nghèo”, “Sạch vườn cây, sạch nhà, đẹp đơn vị”, “Quỹ tấm lòng nhân ái”, “Mái ấm tình thương”, “Vườn rau kết nghĩa”, “Vườn rau xanh”, “Nuôi heo đất”... triển khai rộng khắp, hiệu quả ở các Hội Phụ nữ cơ sở đã minh chứng cho điều đó. Như lời khẳng định của Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Ngô Thị Hương-Trợ lý Phụ nữ Binh đoàn 15: “Những cán bộ, công nhân viên, người lao động nữ “một nắng, hai sương” đã và đang ngày đêm góp sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Họ cũng là người “giữ lửa” thắp sáng niềm tin, niềm hạnh phúc trong từng gia đình”.
NGUYỄN ANH SƠN

Có thể bạn quan tâm