Thời sự - Bình luận

Những bước chạy đà - tiếp sức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay của TPHCM đạt 3,82% một lần nữa cho thấy, kinh tế thành phố đã thật sự bắt nhịp trở lại để gia tăng và giải phóng nội lực toàn diện.  

 

Chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG


Trong đó, trụ cột quan trọng trong cấu trúc kinh tế của TPHCM là thương mại, dịch vụ và công nghiệp đi kèm hoạt động xuất nhập khẩu đã phục hồi mạnh mẽ. Cấu trúc trụ lực này vốn đã được duy trì ổn định trước dịch và tạo đà hồi phục ngoạn mục ngay trong cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Nếu tiếp tục giữ được nhịp tốc độ phục hồi này, triển vọng kinh tế TPHCM trong quý 3 và các tháng còn lại của năm 2022 sẽ phục hồi hoàn toàn, quay lại chu kỳ phát triển trước thời điểm dịch Covid-19 càn quét. Con số dự kiến tăng trưởng 6%-7% của năm 2022 (so sánh với năm 2019, 2020) là có thể đạt được.

Tuy nhiên, một câu hỏi mà các chuyên gia luôn đặt ra và… kiên nhẫn lặp lại ở nhiều cuộc thảo luận, kỳ họp tổng kết là: Kinh tế TPHCM vẫn còn có thể tăng trưởng tốt hơn không? Rõ ràng, những con số thống kê ở các lĩnh vực đầu tư công và xây dựng, bất động sản, giấy phép xây dựng giảm 10% so với cùng kỳ đã cho thấy điểm nghẽn cố hữu, nay trong điều kiện “nhạy cảm”, lại càng… rụt rè hơn. Quyết tâm tháo gỡ là có nhưng thực tế chưa đạt hiệu quả.

Đặt ngược lại một giả thiết: Nếu khả năng “hấp thụ vốn” tốt hơn, thông qua các “gói” đầu tư từ nguồn đầu tư công, lẫn đầu tư từ xã hội, kinh tế thành phố sẽ còn phục hồi nhanh hơn và phát triển mạnh hơn nữa. Cũng như cải cách hành chính đang vẫn ở vạch vừa xuất phát nhưng tốc độ lại khá chậm, rơi vào nhóm trung bình. Tháng Hành động được đề ra rất cụ thể, có chủ đích nhưng chưa đủ mạnh. Điều này cần đặt thành một vệt chương trình, làm lâu dài, liên tục để tạo thành nếp, thói quen, văn hóa phục vụ công.

Trong 6 tháng tiếp sức để về đích năm 2022, chúng ta cần xem mục tiêu phục hồi nhanh hơn, tăng tốc phát triển nhanh hơn là ưu tiên chiến lược, chứ chưa thể hài lòng hay thỏa mãn với các chỉ số, kết quả của 6 tháng đầu năm và hiện tại. Quan trọng là từ các chỉ số kết quả 6 tháng qua, tức đã khơi thông và tái kích hoạt các trụ cột trong cấu trúc kinh tế thành phố thì sẽ giữ nhịp để tạo một “đường ray” mới cho guồng hoạt động thời hậu dịch. Một mặt phát huy sức mạnh nội lực truyền thống, mặt khác thích nghi, chuyển đổi cho phù hợp với “thể trạng” sau đại dịch, tìm thấy những chìa khóa mới, có tính đột phá sau cuộc trải nghiệm lẫn kiểm nghiệm thực tế - lịch sử khá khốc liệt vừa qua.

Một lần nữa, nói gì thì nói, phải gỡ cho bằng được điểm nghẽn cải cách hành chính. Những “biệt đội” của UBND TPHCM và các cấp nhằm tăng chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả cải cách hành chính sẽ ra quân như thế nào. Gắn với các chương trình, kế hoạch quản trị hiệu quả thực thi, tăng cường cải thiện các chỉ số cải cách, gỡ rối cho các dự án theo thứ tự ưu tiên ra sao để những kết quả khả quan của giai đoạn tăng tốc (quý 3) sẽ là tiềm lực để chuẩn bị lao về đích (quý 4) và thời điểm vàng (cuối năm).

Tất nhiên, để vận hành lộ trình trên, công tác cán bộ cũng phải tăng tốc theo 2 chiều: điều chuyển cán bộ yếu kém và khích lệ cán bộ có trách nhiệm. Thời điểm này không thể “dụng nhân” bằng phép dĩ hòa vi quý hay chấp nhận biện pháp dung hòa, mà phải được “xác quyết” và “ra quyết định” thông qua kiểm nghiệm từ thực tế, kết quả công việc, thái độ, bản lĩnh của người có trách nhiệm. Trước mắt cũng như lâu dài, cần một đội ngũ chuyên môn - quản trị dưới sự chỉ huy của một “tổng tư lệnh” nhằm tổ chức triển khai các dự án trọng điểm đã có chủ trương đầu tư, hoặc đang đưa vào tính toán để có những kết quả cho giai đoạn tới.

Về lĩnh vực giao thông, có Vành đai 3, tuyến metro 1, metro 2, đường cao tốc Mộc Bài, cầu Thủ Thiêm 4… Về lĩnh vực hạ tầng đô thị, tập trung cho rạch Xuyên Tâm, các dự án về cấp - thoát nước, phát triển nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học…

Bên cạnh đó, đẩy nhanh hoàn thiện các công trình chỉnh trang để “thay áo” cho thành phố ở 2 thời điểm quan trọng là Quốc khánh 2-9 và cuối năm, trong 3 lĩnh vực đô thị (tượng đài, công viên, cây xanh); văn hóa (không gian công cộng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các địa phương, đơn vị) và xã hội (phối hợp liên ngành, liên vùng để “sấn” vào các vấn đề phát triển sông Sài Gòn, đời sống công nhân, lao động nhập cư).

Những bước chạy tiếp sức từ kinh nghiệm “kiểm soát và phục hồi” sau dịch bệnh chính là “cái đà” quan trọng để thành phố chuyển sang giai đoạn tăng tốc phát triển trong năm nay và những năm kế tiếp.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
(Dẫn nguồn SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm