Những cánh đồng giữa lòng thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa TP. Pleiku thấp thoáng sau những dãy nhà kiên cố, tòa cao ốc là hình ảnh của ruộng lúa xanh mướt, mênh mông. Những cánh đồng ấy cho đến nay vẫn là nơi canh tác của người bản địa, như một nét điểm tô nhẹ nhàng, đem lại nét bình yên, mộc mạc làng quê cho Phố núi.
 

Mùa gặt đang về trên khắp các cánh đồng ở Phố núi. Ảnh: Phương Linh
Mùa gặt đang về trên khắp các cánh đồng ở Phố núi. Ảnh: Phương Linh

Theo nhiều tài liệu, TP. Pleiku được hình thành trên tàn tích của khoảng 30 miệng núi lửa đã tắt. Điều ấy lý giải cho những vùng trũng xuất hiện trong lòng thành phố. Cùng với đỉnh Hàm Rồng, Biển Hồ nước thì thung lũng dọc theo đường Tô Vĩnh Diện cũng là một trong những miệng núi lửa đã lụi tàn. Có lẽ, những đợt nham thạch phun trào đã để lại cho vùng thung lũng này độ phì nhiêu màu mỡ, giúp cho những người Jrai bản địa trải nên thảm lúa xanh mướt tự bao đời.

Chạy dọc theo con đường Tôn Thất Thuyết khoảng 1 km, nhìn về phía bên tay phải đã thấy ngay cánh đồng lúa rộng lớn mênh mông trải dài. Mùa này, lúa trên đồng đang vào vụ gặt, từng cây lúa oằn xuống, cõng trên mình từng hạt thóc càng thêm óng ánh dưới cái nắng vàng tháng 5. Không khí trên khắp cánh đồng cũng thật khẩn trương khi từng hàng, từng hàng các bà, các chị người Jrai lom khom gặt, thanh niên trai tráng cõng từng bao lúa chất lên xe. Đứng dưới cánh đồng nhìn về phía thành phố, thấy thành phố vừa gần lại vừa xa. Gần bởi vẫn thấy bóng của nhiều ngôi nhà san sát, thấy các tòa cao ốc lừng lững, nhưng xa bởi không còn sự ồn ào, náo nhiệt. Tất cả nhường lại cho một không gian rộng lớn, thơm ngát mùi hương của lúa chín, tiếng xào xạc, hình ảnh dập dìu của cả cánh đồng lúa trước gió và cả sự chân chất, thật thà của những người nông dân đang cần mẫn làm việc...

 

Ảnh: Phương Linh
Ảnh: Phương Linh

Người dân bản địa ở đây vẫn thường gọi cả cánh đồng rộng hơn 50 ha ấy là cánh đồng Ia Nông (thuộc phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Đây vốn là nơi canh tác của người dân của các làng Ốp, làng 50. Đưa tôi xuống tận ruộng, ông Rơ Châm Nanh (44 tuổi, làng 50, phường Yên Đổ) đưa mắt nhìn bao quát cả cánh đồng nói: “Cũng chẳng biết cánh đồng này có từ khi nào, chỉ biết là từ đời ông bà, cha mẹ của tôi đã làm ruộng ở đây. Cánh đồng này cả năm cũng chỉ làm được 1 vụ Đông Xuân, còn các mùa khác thì ngập trong nước, không làm được gì cả”. Cách một quả đồi với cánh đồng Ia Nông là cánh đồng Ia Soi (phường Trà Bá, TP. Pleiku). Từ con hẻm 100 Phù Đổng, sau đó rẽ về tay trái đến hết đường Huyền Trân Công Chúa, sẽ thấy một cánh đồng rộng hơn 45 ha hiện ra. Nhấp nhô trên từng khoảnh ruộng vàng óng là người dân làng Ngó cũng đang thoăn thoắt thu hoạch mùa màng. Cánh đồng này trước đây là của cả ba làng: làng Ngon, làng Ngó, làng Khươl, nhưng bây giờ chỉ người làng Ngó còn bám lại, những người làng khác đã bán ruộng, chuyển đi nhiều nơi. Già Rơ Ma Bling (59 tuổi, làng Ngó) là người thông thuộc cánh đồng Ia Soi này cho biết: “Cánh đồng Ia Soi này và cả cánh đồng Ia Nông xưa kia chỉ toàn là rừng, ông bà khai hoang sau mới thành đồng ruộng. Ngày đó cả hai cánh đồng này rộng lắm, nhưng rồi cùng với sự phát triển của thành phố, ruộng thu hẹp dần”.

Vẫn còn nhiều cánh đồng khác tô thêm màu xanh cho thành phố như cánh đồng xã An Phú, cánh đồng làng Khươl (phường Trà Bá)... Những cánh đồng lọt thỏm giữa phố phường vẫn giữ cho mình nét mộc mạc, bình dị, đem đến cảm giác an nhiên, nhẹ nhàng như được sống ở một chốn làng quê. Giữa những ồn ào, vội vã của cuộc sống đô thị, được ngắm nhìn tấm thảm xanh mướt, hít căng lồng ngực mùi thơm ruộng đồng dường như thấy cuộc sống nhẹ nhàng, giản đơn, chậm lại biết nhường nào. Chẳng phải cũng vì lẽ đó, mà nhiều nhà hàng trong thành phố như Nhà Tôi (xã Trà Đa), Thiên Thanh (đường Phạm Văn Đồng)... vẫn tận dụng ưu thế cạnh cánh đồng để thu hút thực khách thành phố yêu thích cảnh sắc thanh bình như một cách đưa họ tìm về vùng quê thanh bình, nơi mà họ đã từng lớn lên.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm