Báo xuân

Những cánh nỏ truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi ngọn gió mùa Xuân vừa chạm trên mái nhà rông của làng, già Ksor Kril (làng Sơr, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) mang cây nỏ ra lau chùi để chuẩn bị cho ngày hội bắn nỏ vui Xuân mới.

Vật thiêng của làng

“Từ bao đời nay, chiếc nỏ theo người Jrai lên núi, vào rừng săn thú, bắn chim. Trong 2 cuộc kháng chiến, nỏ còn là vũ khí chiến đấu giữ buôn làng”-già Kril mở đầu câu chuyện với giọng kể hào sảng. Già kể, ngày xưa, đối với mỗi chàng trai Jrai thì cây nỏ giống như cánh tay phải và những con mồi do cây nỏ hạ được giống như một bằng chứng thể hiện sức mạnh, oai dũng và sự khéo léo. Thời chiến, những chiếc nỏ được du kích địa phương dùng để bắn địch. Do tầm bắn hiệu lực của nỏ khá gần nên yếu tố quan trọng nhất chính là người bắn phải nhẹ nhàng rồi nhanh chóng bắn hạ địch trong mũi tên đầu tiên.

 

Già Ksor Kril tỉ mẩn làm cánh cung. Ảnh: T.D

Bao đời nay, chiếc nỏ với người Jrai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên khi ra khỏi nhà nỏ luôn là vật dụng được đeo bên người. Già Ksor Kril trầm ngâm kể: “Tôi bắn nỏ từ năm 12 tuổi. Từ đó đến nay, mỗi khi lên rừng, tôi đều mang theo bên người. Có thể không dùng tới nhưng nó tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho mình. Theo phong tục của dân tộc mình, trẻ em trai 5-7 tuổi được ông cha dạy bắn nỏ để sau này lớn lên trở thành chàng trai tài giỏi như Đam San”. Đối với người Jrai, sức mạnh của cây nỏ được đưa lên đến sự tột đỉnh bằng sức mạnh của trời đất, của các vị thần linh. Bởi vậy, mỗi khi bước vào trong căn nhà của người Jrai thường bắt gặp một cây nỏ treo ở gian giữa với ý nghĩa dùng làm vũ khí để bảo vệ gia đình tránh mọi rủi ro. Loại vũ khí này cũng không thể thiếu trong một số nghi lễ của đồng bào Jrai.

Thoạt nhìn, nỏ của người Jrai rất đơn sơ nhưng để làm được một chiếc nỏ tốt thì cả một câu chuyện dài. Trong làng, không còn mấy ai biết làm nỏ như già Kril. “Một trong những thành phần quan trọng nhất của nỏ là cánh và thân nỏ, tất cả sức mạnh của nỏ đều hội tụ ở đây. Muốn nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì việc chọn cho được một cây gỗ tốt sống lâu năm ở rừng sâu là cực kỳ quan trọng”-già Kril cho biết.

Duy trì nét văn hóa truyền thống

 

Về mặt cấu tạo, cây nỏ gồm 5 bộ phận chính là thân nỏ, cánh cung, dây cung, lẫy nỏ và mũi tên. Thân nỏ được làm bằng các loại gỗ tốt. Cánh cung được làm từ gỗ bằng lăng hay tre già có độ cứng và độ đàn hồi cao. Dây cung bằng ruột mây già phơi khô. Mũi tên được làm bằng loại tre già tạo ra tính sát thương cao với đủ kích cỡ khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi, già A Ngoanh (làng Đa, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Giờ tuy không còn đi săn nữa nhưng những kỹ năng về săn bắn cùng bí quyết làm nỏ vẫn được thế hệ đi trước truyền lại cho lớp người đi sau. Những cây nỏ của người Jrai hiện nay được dùng trong những lần hội thao, hội thi, các dịp lễ hội truyền thống, lễ, Tết hoặc dùng để trang trí trong nhà”.

Ngày xưa, vào các dịp lễ, Tết, làng thường tổ chức các cuộc thi bắn nỏ trên những cánh đồng hay ven các cánh rừng. Qua cuộc thi, làng chọn ra những người bắn giỏi nhất. Ngày nay, bắn nỏ trở thành môn thể thao tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của các dân tộc thiểu số. Ông Đào Lai-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Biển Hồ (TP. Pleiku) cho biết: “Hội đã thành lập Câu lạc bộ Bắn nỏ với 12 thành viên. Những người trong câu lạc bộ chủ yếu là người dân tộc thiểu số có kinh nghiệm bắn nỏ giỏi. Chúng tôi thường tổ chức giao lưu hội thi bắn nỏ với các đơn vị lân cận, đồng thời tham gia hội thao các dân tộc thiểu số cấp tỉnh và cấp thành phố… Bắn nỏ vẫn là môn thể thao tiêu biểu được đưa vào thi đấu tại các hội thi thể thao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia”.

Các hội thi bắn nỏ thường được tổ chức vào những ngày Xuân về, Tết đến. “Thanh niên trong làng mình mê môn bắn nỏ lắm. Thấy các già tập bắn là bọn mình thích lắm. Nhưng để bắn được như các già còn cả một quá trình cố gắng học hỏi”-anh Rcom El (làng Sơr, xã Biển Hồ) chia sẻ.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm