Tăng trần giá vé máy bay nội địa
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3, Thông tư số 34/2023 của Bộ Giao thông vận tải sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Máy bay của các hãng hàng không tại Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: TTXVN) |
Theo đó, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.
Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Cụ thể, với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,79 triệu đồng/vé/chiều); đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng/vé/chiều) và đường bay khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,75 triệu đồng/vé/chiều).
Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).
Nhiều ưu đãi cho dự án đầu tư tại khu công nghệ cao
Nghị định số 10/2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao sẽ có hiệu lực từ ngày 25/3.
Nghị định quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển khu công nghệ cao; việc thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; hoạt động tại khu công nghệ cao; cơ chế, chính sách và quản lý Nhà nước đối với khu công nghệ cao.
Trong đó, về chính sách ưu đãi thì khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.
Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp.
Cũng theo nghị định, các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học
Thông tư số 01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ 22/3 và bãi bỏ thông tư 24/2015 trước đó. Đây là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Cụ thể: Tiêu chuẩn 1, gồm 4 tiêu chí, quy định về tổ chức và quản trị. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học phải có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch.
Tiêu chuẩn 2, gồm 3 tiêu chí, quy định về giảng viên. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Tiêu chuẩn 3, gồm 4 tiêu chí, quy định về cơ sở vật chất. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Tiêu chuẩn 4, gồm 2 tiêu chí, quy định về tài chính. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được cân đối tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững.
Tiêu chuẩn 5, gồm 5 tiêu chí, quy định về tuyển sinh và đào tạo. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được chất lượng và hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học.
Tiêu chuẩn 6, gồm 2 tiêu chí, quy định về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn này yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học.
Thông tư cũng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hằng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.
Thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 11/2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/3.
Theo Thông tư, tổ chức thu phí là các cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận kết quả tài liệu địa chất, khoáng sản từ cơ quan cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản; phí nộp cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022 của Bộ trưởng Tài chính.
Tổ chức thu phí được trích để lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo Nghị định số 82/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 40% số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo Nghị định số 82/2023 của Chính phủ nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.
Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt
Bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3, Thông tư 01/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại một nhà ga. (Ảnh: TTXVN) |
Theo đó, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.
Thông tư nêu rõ, chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông; chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra...