Những chuyến xe bán hàng rong về xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với một chiếc xe bán tải, chất đầy những vật gia dụng như nồi, chén bát, quạt, thau... là các chủ xe có thể làm một quầy tạp hóa nhỏ đi đến các xã, thôn, làng, vùng sâu để bán cho người dân địa phương.
 

Những mặt hàng gia dụng được chủ xe bày bán. Ảnh: N.T
Những mặt hàng gia dụng được chủ xe bày bán. Ảnh: N.T

Chủ xe Nguyễn Văn Toàn, 30 tuổi, quê ở Quảng Ngãi lên Gia Lai bán hàng rong đã được 2 năm. Xe của anh thường chất đầy hàng gia dụng được lấy từ Sài Gòn, Hà Nội... về để bán. Anh Toàn lấy những mặt hàng bán lẻ này từ một người chủ bán sỉ, từ đó, xe anh chở hàng đi đến tất cả các huyện của tỉnh Gia Lai. Mỗi mặt hàng anh kiếm lời từ 15-20%. Gặp anh Toàn ở xã Ia Nhin, huyện Chư Pah đang thu xếp đồ để chuẩn bị di chuyển qua huyện khác để bán, anh vui vẻ chia sẻ: “Đội bán hàng rong như anh có đến gần 100 chiếc xe chở hàng tỏa đi đến các huyện, xã vùng sâu. Trời nắng thì cũng kiếm được gần chục triệu đồng/tháng, trời mưa thì không bán được hàng, có khi về tay không. Bà con thường mua nhiều khi vào mùa thu hoạch cà phê, tiêu hoặc gần thời điểm lễ, Tết”.

Mỗi chiếc xe có từ 2 đến 3 người đứng bán. Để gây sự chú ý của khách, có xe còn trang bị thêm loa, mic để giới thiệu giá cả, xuất xứ của các mặt hàng. Các mặt hàng gia dụng còn mới tinh, sạch sẽ. Có mặt hàng như chén, bát, nồi, kệ đỡ... được đóng trong bì nhựa cẩn thận. Tất cả đều  được bày bán trên một tấm bạt lớn khoảng 35 m2. Chiều về, các mặt hàng làm từ nhựa được xếp gọn vào trong từng bao tải cho lên xe, còn các mặt hàng dễ vỡ được cẩn thận đặt lên một góc riêng trên xe.

Cũng như anh Toàn, anh Nguyễn Tất Duy cùng quê Quảng Ngãi đang chạy một chiếc xe bán tải khác bán hàng ở huyện Đức Cơ. Anh theo nghề bán hàng rong đã được 5 năm. Vì nghề không cần vốn, chỉ cần chịu khó đi đến các vùng sâu, vùng xa bán hàng là anh đã có thu nhập trung bình mỗi ngày từ 100-200 nghìn đồng, thế nên anh gắn bó với công việc này, từ đó cũng có thêm thu nhập nuôi gia đình. Anh Duy chia sẻ: “Công việc chỉ vất vả là đi vùng sâu, vùng xa nhiều. Thậm chí đi hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Mình bán lấy phần trăm chênh lệch giá cả ít thôi, bán rẻ cho bà con thì hàng hóa dễ bán hơn. Nhu cầu mua sắm của bà con ở đây chủ yếu là thuận tiện, giá cả hợp lý”.

 

Người dân địa phương tranh thủ chọn mua một món đồ dùng về cho gia đình. Ảnh: N.T
Người dân địa phương tranh thủ chọn mua một món đồ dùng về cho gia đình. Ảnh: N.T

Ông Rơ Châm Lin-xã Ia Nhin, huyện Chư Pah cho biết: “Những chiếc xe bán hàng rong này cũng thỉnh thoảng chở hàng về xã. Lúc đó, tôi thường tranh thủ chạy ra mua thêm chén bát, ca đựng nước... để về dùng. Giá cả cũng hợp lý, có những đồ còn rẻ hơn trong quầy tạp hóa của xã”.

Trên các nẻo đường dẫn về các huyện, xã những chiếc xe bán tải chở hàng rong vẫn đang tiếp tục thay phiên nhau chở hàng hóa, vật gia dụng thiết yếu về vùng sâu, vùng xa. Đang mùa thu hoạch nông sản nên nhu cầu sắm sửa của người dân cũng tăng lên. Vì thế, với những chiếc xe hàng rong này, người dân có thêm cơ hội lựa chọn mua sắm vật dụng cho gia đình.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm