Phóng sự - Ký sự

Những cuộc gặp đầy xúc động giữa biển trời bao la

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một cô sinh viên ôm chầm lấy bố tại cầu cảng ở TT.Trường Sa, rồi bố dắt con gái về đơn vị kể con nghe cuộc sống của những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió; cô con gái mang hết nỗi niềm nhớ thương kể cho bố về chuyện học của mình và chuyện của gia đình nơi hậu phương…

Trong chuyến hải trình Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc năm 2023 đến với Trường Sa, chúng tôi được chứng kiến những cuộc gặp đầy cảm xúc giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyến thăm bố đặc biệt

Trong chuyến hải trình, khi tàu đến TT.Trường Sa, vừa bước xuống cầu cảng, chúng tôi đã nhìn thấy hình dáng của người sĩ quan hải quân ôm bó hoa dõi mắt về phía mạn tàu. Đó là đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ðức Anh. Hôm ấy là một ngày rất đặc biệt với người sĩ quan đã 27 năm phục vụ trong quân ngũ, khi ông được đón con gái của mình ra thăm theo chuyến hải trình Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc.

Cuộc gặp đầy xúc động của Linh và bố tại Trường Sa. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Cuộc gặp đầy xúc động của Linh và bố tại Trường Sa. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Gặp được con gái tại Trường Sa, ánh mắt của ông Đức Anh ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Còn con gái ông, Nguyễn Thị Diệu Linh, sinh viên năm nhất Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, vừa khóc vừa chạy lại ôm lấy bố trong niềm hạnh phúc.

Linh kể từ khi mình 4 tuổi, thì bố đã xa nhà và công tác ở đảo. Mỗi năm bố được về nghỉ phép một lần, nhưng những lần về phép ngắn ngủi không thể nào khỏa lấp hết nỗi niềm nhớ thương của "con gái rượu". Linh luôn ước một lần được ra Trường Sa để thăm bố. Nên khi biết thông tin hằng năm T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên VN đều có chương trình đưa người trẻ tiêu biểu đến với biển, đảo Tổ quốc, Linh đã không ngừng nỗ lực cố gắng và phấn đấu hết mình trong học tập để nuôi hy vọng ra thăm bố.

Suốt buổi trò chuyện, anh Đức Anh luôn nắm chặt lấy tay con gái. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Suốt buổi trò chuyện, anh Đức Anh luôn nắm chặt lấy tay con gái. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Thật may mắn và vinh dự khi Linh là 1 trong 200 đại biểu sinh viên VN tiêu biểu của chuyến hải trình Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc đến với Trường Sa.

"Khi nhận thông tin được là đại biểu đi Trường Sa chuyến này, em vui và hạnh phúc vô cùng. Người đầu tiên em gọi báo tin mừng là bố. Bố rất vui khi biết em sắp được ra Trường Sa, nhưng bố cũng lo lắng nhiều vì sợ em say sóng do sức khỏe của em yếu. Bố dặn em rất nhiều điều, từ ăn uống đến ngủ nghỉ để chuẩn bị sức khỏe và tinh thần tốt cho chuyến đi", Linh kể.

Ông Đức Anh dẫn con gái đi thăm đơn vị công tác của mình tại Trường Sa. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Ông Đức Anh dẫn con gái đi thăm đơn vị công tác của mình tại Trường Sa. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Gặp nhau tại Trường Sa, dưới tán bàng vuông xanh mát, hai bố con ngồi kể cho nhau chuyện công tác của bố, chuyện hậu phương vững chắc ở nhà… Suốt buổi trò chuyện, tay của ông Đức Anh vẫn nắm chặt tay con gái. Với ông, không gì hạnh phúc và tự hào bằng khi con gái được là một trong những sinh viên tiêu biểu cả nước ra thăm đơn vị mình đang công tác, nơi cách đất liền hàng trăm hải lý.

Linh mang tặng bố chiếc áo mà bố thích. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Linh mang tặng bố chiếc áo mà bố thích. Ảnh: NỮ VƯƠNG

"Đến nằm mơ tôi cũng không dám mơ rằng con gái sẽ được ra thăm mình. Nghe tin con ra đây mà tôi mừng đến mất ngủ. Đây là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu rất nhiều của con để trở thành đại biểu sinh viên tiêu biểu. Với một người làm cha, tôi rất vinh dự và tự hào, cũng là nguồn động lực tinh thần lớn lao nhất trong cuộc đời sự nghiệp để tôi tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ", ông Đức Anh nói.

Có bố là một sĩ quan hải quân, tình yêu biển, đảo Tổ quốc trong Linh luôn được bồi đắp mỗi ngày. Linh chọn học về lĩnh vực y dược để nuôi ước mơ sau này được làm ở Bệnh viện Quân y khám chữa bệnh cho mọi người, đặc biệt là những quân nhân như bố.

Tận mắt thấy nghiên cứu của mẹ tại Trường Sa

Cũng là đại biểu tham gia hành trình, anh Nguyễn Ngọc Quang, Ủy viên BCH Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc, rất tự hào và xúc động khi được tận mắt thấy công trình khoa học của mẹ tại đảo Đá Tây A.

Anh Nguyễn Ngọc Quang và công trình nghiên cứu của mẹ tại đảo Đá Tây A, trong đó có sự góp sức của anh. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Anh Nguyễn Ngọc Quang và công trình nghiên cứu của mẹ tại đảo Đá Tây A, trong đó có sự góp sức của anh. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Cách đây 3 năm, mẹ của Quang, cũng là nhà khoa học công tác tại Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, thuộc Bộ Quốc phòng, trong chuyến thăm Trường Sa đã mang ra công trình "Thử nghiệm thực tế hệ thống nhà vệ sinh năng lượng mặt trời sử dụng nước biển tại quần đảo Trường Sa". Và Đá Tây A là điểm đảo đầu tiên mà hệ thống thử nghiệm thực tế. Sau khi nghiệm thu thành công thì mẹ cũng như đơn vị chưa có cơ hội để quay lại đảo Đá Tây A. Mẹ nhờ Quang chụp lại hình ảnh để có thể xem xét bảo trì, duy trì hệ thống này tại đảo.

Trong chuyến hải trình, Quang mang trong mình nhiệm vụ mà mẹ gửi trao, hơn nữa anh cũng đang là nghiên cứu sinh ngành hóa học vật liệu tại Đại học Hanyang (Seoul, Hàn Quốc), cũng có các nghiên cứu trong lĩnh vực này, nên khi đặt chân lên đảo Đá Tây A, ngay lập tức anh tìm đến công trình nhà vệ sinh của mẹ. Anh chụp hình, ghi chép lại những gì quan sát được để phác thảo phương án tiếp tục duy trì hệ thống…

Đối với một du học sinh như Quang, hải trình đến với Trường Sa là chuyến đi ý nghĩa nhất của tuổi trẻ. Ảnh: NỮ VƯƠNG

Đối với một du học sinh như Quang, hải trình đến với Trường Sa là chuyến đi ý nghĩa nhất của tuổi trẻ. Ảnh: NỮ VƯƠNG

"Mình từng đoạt giải nhì cuộc thi "Ý tưởng sinh viên bảo vệ chủ quyền và phát triển biển, đảo Tổ quốc" năm 2020, với dự án biến nước mặn thành nước ngọt, sử dụng loại vật liệu có thể hấp thụ bốc hơi nước nhờ ánh sáng mặt trời để biến thành loại nước có thể sử dụng cho sinh hoạt, cũng như sử dụng cho chính hệ thống nhà vệ sinh của mẹ. Nên mình kết hợp với mẹ thiết kế những đề án mới, hy vọng sau chuyến đi này sẽ nghiên cứu thêm để tiếp tục phát triển, duy trì hệ thống nhà vệ sinh này trên đảo Đá Tây A", anh Quang xúc động kể.

Theo anh Quang, điểm đặc trưng của hệ thống nhà vệ sinh năng lượng mặt trời tại đảo là có hệ thống bồn chứa thủy lực, hệ thống xử lý nước thải riêng, và 4 nhà vệ sinh tại đây dùng 4 hệ thống pin mặt trời riêng lẻ, nên nếu một cái bị hư thì 3 cái còn lại vẫn có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, còn có hệ thống ngắt và duy trì lượng nước tuần hoàn, giải quyết được bài toán về năng lượng nói chung và năng lượng nước, cũng như xử lý nước thải nói riêng.

Là du học sinh về từ Hàn Quốc, lại lần đầu tiên được đến Trường Sa với một mối duyên đặc biệt như thế này, anh Quang không giấu được cảm xúc: "Mình cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi nhìn thấy công trình mà mình cùng với mẹ đã góp sức trên đảo Đá Tây A. Đặc biệt, sau nhiều năm hệ thống vẫn được duy trì và sử dụng rất hiệu quả bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, thì đây là một thành công rất lớn".

Nói về những dự định thời gian tới, chàng du học sinh cho biết chuyến hành trình đến với Trường Sa sẽ trở thành động lực để anh tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong tương lai, giúp ích cho sự phát triển biển, đảo của Tổ quốc.

"Đây là hành trình rất ý nghĩa với mình. Mình sẽ lan tỏa thêm nữa về hành trình này đến với các du học sinh. Mình rất hy vọng các bạn sinh viên, du học sinh sẽ nỗ lực không ngừng để có cơ hội tham gia những hành trình tiếp theo trong tương lai và đóng góp sức mình trên nhiều lĩnh vực cho hành trình Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc nói riêng và chủ quyền biển, đảo nói chung", anh Quang bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm